Số hóa hiện vật tại Bảo tàng tỉnh: Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng
– Số hóa hiện vật là xu hướng hiện nay các bảo tàng đang hướng đến nhằm hiện đại hóa hoạt động của bảo tàng, đưa hiện vật đến gần hơn với công chúng. Chính vì vậy, thời gian qua, bằng những giải pháp cụ thể, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã và đang từng bước số hóa khối tài liệu, hiện vật hiện đang lưu giữ, qua đó đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh lưu giữ, quản lý trên 75.000 tài liệu hiện vật các loại, gần 6.500 ảnh tư liệu, 900 tư liệu cùng nhiều tài liệu sách báo khác nhau. Trong đó, có 12.780 tài liệu hiện vật gốc đã qua kiểm kê khoa học, trên 90% tài liệu hiện vật đã được đưa vào hệ thống quản lý bằng phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật” trên không gian mạng; hơn 200 hiện vật được đăng tải giới thiệu trên trang web của bảo tàng tại mục “thư viện hiện vật”.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh nhập thông tin hiện vật vào phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật”
Là một trong những người trẻ đam mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương, em Hoàng Thị Linh, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, sinh viên Trường Đại học Lao động – Xã hội thường xuyên đến Bảo tàng tỉnh tham quan, tìm hiểu mỗi khi có dịp về quê. Thời gian gần đây, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Linh không thể đến trực tiếp bảo tàng nhưng thông qua thư viện hiện vật trên trang web nên em vẫn dễ dàng tìm hiểu về tài liệu hiện vật tại bảo tàng. Linh chia sẻ: Em thấy cách làm này rất hay, chỉ cần ngồi nhà có thiết bị kết nối Internet là có thể tra cứu, xem hiện vật, giúp em tiết kiệm thời gian đi lại, bất kể ở đâu, em cũng có thể xem được.
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác số hóa hiện vật, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ. Cụ thể, ban lãnh đạo bảo tàng đã quán triệt tới 100% cán bộ, nhân viên về tầm quan trọng của công tác số hóa tại các cuộc họp giao ban, chuyên đề. Bên cạnh đó, hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác, trong đó có công tác số hóa hiện vật, giao Phòng Kiểm kê – Bảo quản lập hồ sơ, đăng ký kiểm kê khoa học tài liệu hiện vật, phim ảnh, băng đĩa, rà soát tất cả hồ sơ tài liệu hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng. Đồng thời, bảo tàng bố trí đầy đủ trang thiết bị (máy tính, máy ảnh…), kinh phí, cán bộ có chuyên môn phục vụ sao chụp, lưu trữ thông tin hiện vật trên phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật”.
Chị Dương Thị Thùy Linh, Cán bộ Phòng Kiểm kê – Bảo quản, Bảo tàng tỉnh cho biết: Hằng tháng, tôi thường xuyên thực hiện nhập thông tin lên phần mềm do Cục Di sản văn hóa cung cấp. Tính đến nay, đã có 3.440 hiện vật, tư liệu, tài liệu được cập nhật đầy đủ thông tin trên phần mềm. Đồng thời, để những hiện vật này được quảng bá rộng rãi hơn, tôi đã xây dựng các bài viết ngắn đăng tải trên trang facebook của bảo tàng.
Song song với đó, đơn vị bố trí, cử cán bộ, nhân viên tham gia hội nghị tập huấn – đào tạo trực tuyến sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý hiện vật và Hệ thống thông tin quản lý di tích do Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Qua đó, cán bộ, nhân viên bảo tàng có thể nắm bắt cơ bản các tính năng cũng như sử dụng, nhập liệu và khai thác phần mềm, ứng dụng ngay vào công tác tại đơn vị. Ngoài ra, bảo tàng còn nâng cấp, cải thiện trang tin điện tử với giao diện bắt mắt, dễ sử dụng.
Tin tưởng rằng, với việc phát huy những kết quả bước đầu, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ thực hiện và hoàn thành việc số hóa hiện vật, tư liệu, góp phần hướng tới xây dựng bảo tàng hiện đại, phục vụ hiệu quả công chúng yêu lịch sử, văn hóa Xứ Lạng.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa hiện vật, tài liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo tàng. Đồng thời, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án, lộ trình phù hợp tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác số hóa. Trước mắt, trong năm 2022, chúng tôi sẽ rà soát, bổ sung các phần còn thiếu trong hồ sơ tài liệu hiện vật (ảnh, thông tin…); bổ sung thiết bị, bảo quản cho toàn bộ kho tư liệu”. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh |
Ý kiến ()