Số hóa du lịch – start-up “nội địa” đã nhập cuộc
Xu hướng số hóa du lịch giờ đây không chỉ đơn giản là quảng cáo online, giúp người dùng đặt tour, đặt phòng, đặt vé đi lại và trả tiền qua mạng nữa. Thay vào đó các hãng lữ hành đã dấn thêm một bước dài khi đồng bộ hóa hoạt động số với cả nhóm đối tác cung cấp dịch vụ du lịch và số hóa các hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Diễn đàn nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam diễn ra tại TPHCM mới đây nhận định đã tới lúc ngành du lịch cần quan tâm hơn nữa tới du lịch thông minh bởi thời đại 4.0 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và cơ bản cho cách làm du lịch.
Thoạt nhìn, trong cuộc đua số hóa du lịch hiện nay, các doanh nghiệp trong nước dường như đang chậm chân hơn những tên tuổi khác của ngành du lịch thế giới. Có thể dễ dàng nhận thấy khi nhắc đến các dịch vụ du lịch số đang ăn nên làm ra ở Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới những tên tuổi đã nổi tiếng toàn cầu hoặc Đông Nam Á như: Agoda.com, Booking.com, Traveloka, Tripadvisor, Airbnb…
Tuy vậy, một số trang du lịch số Việt Nam cũng đang dần bắt kịp xu thế với những start-up như gotadi.com, ivivu.com, chudu24.com, vntrip.vn… Và như nhận xét của nhiều “tay chơi” du lịch thì các trang mạng Việt Nam dù chưa thực sự mạnh về các chức năng số, các đối tác liên kết hay sự đa dạng, đầy đủ về dịch vụ… nhưng lại đang có lợi thế nổi bật ở khâu chăm sóc khách hàng, và khá nhanh nhạy trong ứng dụng bán hàng đa kênh (omni-channel) vào kinh doanh, tức có thể cung cấp được trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, giúp người tiêu dùng hoặc mua sắm sản phẩm ở ngay tại cửa hàng, trên website hoặc ứng dụng di động, thông qua catalogue, hay mạng xã hội. Thậm chí khi giao dịch đang thực hiện trên một kênh nào đó bị gián đoạn thì người dùng vẫn có thể tiếp tục thực hiện giao dịch ấy trên một kênh khác mà không phải làm lại tất cả các bước ngay từ đầu.
Điều “lấn cấn” hiện nay, theo Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt Trần Văn Long, là doanh nghiệp phải đồng nhất các thể hiện ở phần “số” và thể hiện của sản phẩm trên thực tế. “Làm sao để tránh được hiện tượng ‘treo đầu dê bán thịt chó’ thì số hóa du lịch mới phát triển tốt”.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Khánh, ngành du lịch chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0. Chỉ là hiện nay người làm du lịch đa số đang đi song song, vừa duy trì mảng offline lẫn mảng online, bởi hiện còn rất nhiều du khách không dùng mạng hoặc vẫn ưa thích trải nghiệm mua sắm offline. “Tôi tin là lãnh đạo ngành du lịch sẽ có tính toán chiến lược để định hướng cho giai đoạn chuyển đổi số này, làm sao để hai hoạt động trên luôn bổ sung tốt nhất cho nhau”.
Theo ông Alban Villani, Tổng giám đốc Criteo Khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, nhờ nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) nên những công nghệ mới và các giải pháp số sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận và kết nối người tiêu dùng mục tiêu một cách toàn diện và hiệu quả hơn thay vì quảng cáo tràn lan kiểu “đại chúng”. Từ đó, đưa khách hàng từ chỗ chỉ lướt web kiểu “dạo chơi” trở thành giao dịch thực sự.
Cụ thể, những giải pháp tích hợp AI sẽ đưa ra lời khuyến nghị về sản phẩm/dịch vụ phù hợp, có liên quan hoặc được người lướt web quan tâm; hoặc giúp doanh nghiệp “săn tìm” những người dùng có đặc điểm tương tự với khách hàng mục tiêu…
“Các giải pháp thông minh ấy giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về sở thích du lịch cũng như khả năng chi trả của khách hàng”, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tugo Nguyễn Minh Bảo cho hay. Nhà sáng lập start-up này cũng cho biết nền tảng trực tuyến giúp doanh nghiệp không tốn kém thêm nhiều chi phí nên dù là sản phẩm tour cao cấp thì giá cả cũng sẽ không chênh lệch quá nhiều so với tour bình thường (mức tăng 10-20%).
Và cuộc bắt tay hợp tác giữa nền tảng tiếp thị trực tuyến mở Criteo (đang niêm yết ở NASDAQ) cùng công ty khởi nghiệp du lịch Tugo (Việt Nam) và năm hãng hàng không quốc gia lớn (gồm Vietnam Airlines, Singapore Airlines, Air China, Brunei Airlines và Qatar Airways) tại TPHCM, hôm 11/4 vừa qua, được cho là đang nhắm tới mục tiêu xây dựng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng một cách liền mạch ở phân khúc du lịch cao cấp.
Có thể nói, những sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, mang đậm màu sắc bản địa vẫn có thế mạnh nhất định trước các đối thủ toàn cầu khi “tích hợp” được sự thông thạo văn hóa và phong vị địa phương vào các công cụ số.
Ý kiến ()