Số hoá dịch vụ tài chính: Hướng đi nào cho ngân hàng Việt?
Số hóa và xu hướng chuyển đổi có tính đột phá
Ngành ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: Internet kết nối vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs).
Dù vậy, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng – tài chính thời kỳ số hóa, về năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng toàn cầu đang chứng kiến sự thâm nhập ngày càng sâu của các tập đoàn công nghệ tiêu dùng lớn vào các lĩnh vực dịch vụ truyền thống như thanh toán, chuyển tiền và tín dụng… Chính điều này đang làm mờ đi ranh giới về ngành khó phân biệt đâu là thương mại điện tử, đâu là dịch vụ tài chính ngân hàng đưa đến thách thức lớn cho cơ quan quản lý. Ví dụ như công ty công nghệ truyền thông xã hội Facebook đã kết hợp với Western Union để thực hiện chuyển tiền quốc tế với các mức chào tỷ giá và hỗ trợ khách hàng theo thời gian thực trên ứng dụng facebook; ứng dụng gọi xe Go-Jek hợp tác với các ngân hàng ở Indonesia để cung cấp tài chính vi mô cho các lái xe và dịch vụ tiết kiệm hồi giáo; trang thương mại điện tử Amazon đã kết hợp với JPMorgan Chase để cung cấp các tài khoản qua ngân hàng… Ngành ngân hàng toàn cầu đang phải thay đổi để thích ứng với những biến đổi chưa từng thấy và tái tạo số là chìa khóa để tạo ra những đột phá mới.
Một cách hiểu ngắn gọn mà bao quát về một ngân hàng số hoàn hảo bằng 3 con số 3-1-0. Theo đó, ngân hàng số hoàn hảo sẽ cung cấp các dịch vụ trực tuyến, đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng, ở đó chỉ trong vòng 3 phút, khách hàng có thể hoàn tất việc gửi hồ sơ yêu cầu để gửi tới cho ngân hàng; trong vòng 1 giây, hệ thống tự động phân tích trả lời về việc chấp nhận yêu cầu của khách hàng hay không và toàn bộ quy trình này không (0) cần có sự tham gia của con người.
Các chuyên gia IT cho rằng quá trình tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới.
Vụ Thanh toán (NHNN) cũng công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.
Biết mình đang ở đâu
Minh họa cho các lợi ích từ số hóa, chuyên gia đến từ CITIC Bank đã đưa ra một loạt ví dụ điển hình về các hoạt động ngân hàng dựa trên cơ sở công nghệ tài chính đã được triển khai ở Hongkong như: Mua bảo hiểm du lịch trên ví điện tử, ứng dụng ngân hàng cảm ứng, tài khoản tiền gửi liên kết với ví điện tử, ứng dụng ngân hàng sử dụng mã bảo mật mềm, mở tài khoản từ xa, các dịch vụ thanh toán nhanh theo thời gian gần như thực, thư tín dụng với công nghệ blockchain, ứng dụng webchat và chatbox nhằm tự động hóa quá trình chăm sóc khách hàng, robot tư vấn viên trong tư vấn đầu tư, ứng dụng AI/học máy trong phòng, chống rửa tiền; quản lý gian lận, định danh nhân thân và bảo mật trên cơ sở phân tích dữ liệu, AI, đồ họa tri thức… và nền tảng hoạt động ngân hàng kết nối mở (Open API banking).
Họ đã quyết định lựa chọn con đường số hóa và trở thành ngân hàng số hóa đầu tiên tại Hongkong cho phép mở tài khoản ngân hàng từ xa, nhận biết khách hàng điện tử mà không cần gặp trực tiếp, không cần bằng chứng về địa lý (chỉ cần cung cấp địa chỉ email, số điện thoại di động, thẻ chứng minh công dân Hongkong (HKID) và điền vào một mẫu đơn đơn giản. Chuyên gia từ CITIC bank cho biết chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi tung ra dịch vụ này, ngân hàng đã thu hút được hơn 7.000 khách hàng mới.
Bên cạnh những cơ hội đột phá mà số hóa đem lại, theo nghiên cứu của chúng tôi, những khó khăn trong quá trình số hóa và của những người đi đầu trong lĩnh vực số hóa là không hề nhỏ đặc biệt là hành lang pháp lý đang còn rất thiếu ở Việt Nam. Ttheo khảo sát năm 2016 của Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN, có tới 84% ý kiến từ các TCTD cho rằng khó khăn thách thức lớn cho quá trình số hóa ngân hàng là hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ.
Theo cách phân đoạn của chuyên gia IT về quy trình số hóa, các TCTD Việt Nam hầu hết đang ở giai đoạn thứ 2 (chuyển đổi kỹ thuật số). Theo cách định nghĩa về ngân hàng số của chuyên gia ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong. Hiện nay, các NHTM Việt Nam khá tích cực trong việc số hóa các hoạt động ngân hàng của mình với 2 cách tiếp cận điển hình. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) tập trung tăng cường trải nghiệm khách hàng, thu hút khách hàng bằng cách mở rộng tương tác với khách hàng thông qua các minigame trong khi Techcombank chia sẻ quan điểm chuyển đổi số của ngân hàng, cũng lấy khách hàng làm trung tâm, hiểu được hành vi khách hàng nhưng đã tập trung vào việc số hóa quy trình vận hành và quy trình xử lý nội bộ trong ngân hàng.
Áp dụng linh hoạt kinh nghiệm quốc tế để đối mặt thách thức
Để phát triển ngân hàng số, giống như các nước đi trước ở giai đoạn khởi đầu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ, còn khuyết thiếu hoặc chồng chéo nên chưa đáp ứng được yêu cầu tạo thuận lợi để hệ thống ngân hàng thích ứng với bối cảnh số hóa.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng đây là thách thức lớn và đáng quan tâm nhất ở Việt Nam. Cần phải có sự chia sẻ giữa các đơn vị kinh doanh và các nhà quản lý trong quá trình thẩm tra và quyết định cho phép một mô hình kinh doanh mới được triển khai. Cơ quan quản lý không chỉ đóng vai trò là đơn vị xúc tác, hỗ trợ cho quá trình số hóa diễn ra thuận lợi mà quan trọng hơn còn là đơn vị bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh để quá trình số hóa diễn ra được an toàn.
Thứ hai, xuất hiện nhiều đối thủ mới cạnh tranh trong kinh doanh. Số hóa với hệ sinh thái dịch vụ tài chính và nền tảng API mở tạo cơ hội tận dụng và tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra tính kinh tế về quy mô cho hoạt động cung ứng dịch vụ và là cơ hội để các ngân hàng vươn ra các hoạt động ngoài ngân hàng (Banks beyond banking) nhưng cũng đặt ra nguy cơ là sự xuất hiện của các đối thủ mới (các ngân hàng ảo), các công ty công nghệ tài chính lớn…
Thứ ba, các cuộc tấn công mạng lớn là một quan ngại hàng đầu trong ngắn hạn và các tổ chức phải đối mặt với những lựa chọn đánh đổi quan trọng trong việc cải thiện sức bền và khả năng chống đỡ trong môi trường mạng. Theo đánh giá từ kết quả khảo sát của Oliver Wyman, các cuộc tấn công mạng được lãnh đạo các doanh nghiệp tại những nền kinh tế phát triển đánh giá là rủi ro toàn cầu số 1 trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, khả năng giảm số lượng lớn lao động và đòi hỏi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, theo nghiên cứu từ Oliver Wyman, quá trình số hóa là một cuộc chơi dài và các ngân hàng cần phải có các hành động chuẩn bị.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã có những gói đầu tư lớn về dữ liệu nhưng dường như vẫn chưa có được hệ thống dữ liệu sạch, đồng nhất, chưa tạo được sự kết nối liên thông đầy đủ.
Về phía cơ quan quản lý, cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ và thông tin, trong đó cần nâng cao hiệu quả và khả năng tiếp cận các thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC).
Việc ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình số hóa như blockchain, cần phải có sự suy xét, cân nhắc thực trạng hiện tại, liệu blockchain có thể thay thế được hệ thống corebanking của các ngân hàng.
Ở Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, để ngân hàng số phát triển tạo ra đột phá hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ.
Trước tiên, cần có quan điểm mở tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cân bằng giữa quản lý an toàn với đổi mới sáng tạo (đi liền với rủi ro).
Cơ quan quản lý cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo kiện kết nối mở cho TCTD truy xuất theo thẩm quyền được duyệt; có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3; xây dựng cơ chế e-KYC.
Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulator sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng. Hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật số quan trọng hỗ trợ giao dịch thương mại, tài chính trong kỷ nguyên số: Hạ tầng bưu chính viễn thông; hạ tầng mạng; hạ tầng thanh toán quốc gia…
NHNN, các TCTD có lịch trình cụ thể trong tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực thích ứng với thời kỳ số hóa, tận dụng công nghệ về đào tạo và đánh giá năng lực để giữ chân nhân tài.
Đồng thời, cần hoàn thiện giải pháp về quản trị rủi ro, an ninh, bảo mật, bảo đảm dữ liệu người tiêu dùng, hợp tác quốc tế tranh thủ thành tựu về công nghệ, cập nhật công nghệ tốt nhất. Cần đo lường lợi nhuận đến sản phẩm để giúp hoạch định kế hoạch kinh doanh tốt hơn…
Tích cực số hóa nhưng Việt Nam cũng không nên bỏ quên khu vực ngân hàng truyền thống, nhất là khi xét về mặt doanh thu, khu vực này vẫn còn đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhiều lợi ích cho khách hàng. Điều quan trọng là cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ.
Thay vì áp dụng blockchain một cách thái quá, cần phải phải khôn khéo lựa chọn các sản phẩm để ứng dụng blockchain phù hợp với hiện trạng của các TCTD Việt Nam.
Ý kiến ()