Sở Giao thông - Vận tải: Điểm nhấn hiện đại hóa hành chính
(LSO) – Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết công việc chuyên môn và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Qua đây, đơn vị đã tạo được điểm nhấn tích cực và được UBND tỉnh đánh giá cao.
Sở GTVT là cơ quan quản lý nhà nước về GTVT ở các lĩnh vực: đường bộ, đường thủy nội địa, vận tải và an toàn giao thông. Đơn vị có gần 100 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại 8 phòng, ban trực thuộc. Trong thực hiện các lĩnh vực này không thể không ứng dụng CNTT vào quá trình giải quyết. Nhận thức được điều đó, hơn một năm qua, sở đã tăng cường sử dụng CNTT vào tất cả các khâu giải quyết nhiệm vụ tại các phòng, đơn vị trực thuộc, nhất là ứng dụng trong giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, người dân.
Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để đạt được kết quả đột phá trong hiện đại hóa hành chính, ban giám đốc thường xuyên chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tận dụng tốt trang thiết bị CNTT hiện có vào giải quyết công việc; xem xét các điều kiện để ứng dụng triệt để, tối đa các trang thiết bị CNTT vào giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân. Gắn với triển khai, sở thường xuyên kiểm tra, đánh giá quá trình ứng dụng tại từng phòng, đơn vị.
Cán bộ Sở GTVT ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và giải quyết hồ sơ TTHC
Sở đã tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cả phần cứng và phần mềm, đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức của sở (trừ nhân viên lái xe, bảo vệ, tạp vụ) được trang bị máy tính vào giải quyết công việc (tăng 10% so với năm 2016). Ngoài đầu tư phần cứng, đơn vị còn tăng cường ứng dụng các phần mềm CNTT vào giải quyết công việc. Đến thời điểm hiện tại, 100% máy tính được cài đặt phần mềm văn phòng điện tử – eOffice và được cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hiệu quả vào công việc. Các công chức chuyên môn như: kế toán, văn thư lưu trữ, phụ trách công tác tổ chức cán bộ… cũng ứng dụng các phần mềm chuyên ngành vào thực hiện nhiệm vụ.
Đối với việc giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân, sở đã xem xét lựa chọn 19 TTHC (trong tổng số 79 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết) liên quan đến cấp giấy phép lái xe, cấp giấy phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu và biển hiệu ô tô để giải quyết qua phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Qua ứng dụng, quy trình tiếp nhận hồ sơ từ công dân đến cán bộ “một cửa”, quy trình luân chuyển và giải quyết hồ sơ giữa bộ phận “một cửa” với phòng chuyên môn đảm bảo minh bạch, đơn giản hơn so với trước, giúp trả kết quả nhanh, đúng hẹn cho người dân, tổ chức. Năm 2018, sở tiếp nhận 7.472 hồ sơ TTHC; từ đầu năm 2019 đến nay tiếp nhận và trả kết quả trên 900 hồ sơ thì 100% sơ được giải quyết, trả kết quả đúng và sớm hơn hẹn.
Anh Nguyễn Trọng Khánh, chuyên viên Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông, Sở GTVT cho biết: Phòng có 11 TTHC thuộc lĩnh vực đường bộ đã được giải quyết qua mạng. Có hệ thống này hỗ trợ nên ngay sau khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hợp lệ thì toàn bộ thông tin bằng file điện tử đã được cập nhật qua hệ thống trong tích tắc vài gây thay vì phải mất 1 ngày hồ sơ mới được luân chuyển từ bộ phận “một cửa” đến phòng. Nhờ đó, thời gian giải quyết, trả kết quả hồ sơ cũng nhanh hơn, người dân hài lòng hơn và không có phản ánh, kiến nghị về việc bị trả chậm hẹn.
Nhờ quan tâm chỉ đạo, triển khai ứng dụng CNTT, hơn một năm nay, các quy trình giải quyết công việc, giải quyết hồ sơ TTHC tại Sở GTVT đã được đơn giản hóa, góp phần giảm áp lực trong công việc của cán bộ và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Năm 2018, nội dung hiện đại hóa hành chính của Sở GTVT được cấp có thẩm quyền đánh giá đạt 9 điểm. Kết quả này góp phần đưa sở trở thành đơn vị xếp thứ 2/20 sở, ban, ngành của tỉnh về chỉ số CCHC năm 2018 với 86,9 điểm (tăng 8 bậc so với năm 2017).
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, gắn với đó là tăng cường đưa TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ CNTT cho toàn thể đội ngũ cán bộ.
Ý kiến ()