Sở Giáo dục và Đào tạo: Bế mạc và trao giải hội thi “Tiếng Việt của chúng em” điểm trường lẻ cấp tỉnh
Phần thi chào hỏi của thí sinh đến từ đội thi phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập
– Ngày 11/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ bế mạc và trao giải hội thi giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số cấp tỉnh ở điểm trường lẻ thuộc 11 phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh năm học 2021 – 2022.
Hội thi đã diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/5, tại hội trường Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Tham dự hội thi có 88 thí sinh là học sinh khối lớp 1, 2 và lớp 5 đại diện cho 11 đội thi.
Các thí sinh tham gia 4 phần thi gồm: Thi giới thiệu làm quen, giới thiệu từng thành viên của đội, đặc điểm của mỗi đội; thi hiểu biết kiến thức, tổ chức theo hình thức trò chơi “rung chuông vàng”; thi em nói về ý tưởng, ước mơ, học sinh thuyết trình các chủ đề về học tập, nhà trường, về thầy cô giáo, đất nước, quê hương…; và phần thi năng khiếu, thí sinh đọc thơ, kể chuyện, hát, múa, tiểu phẩm bám sát chủ đề năm học hoặc xoay quanh môn tiếng Việt.
Các phần thi được chấm theo thang điểm 10, trong đó, đội xuất sắc có tổng điểm đạt từ 38 điểm trở lên, không có điểm dưới 9; tốt đạt từ 32 điểm trở lên, không có điểm dưới 7; khá đạt từ 24 điểm trở lên, không có điểm dưới 6; đạt yêu cầu từ 20 điểm trở lên, không có điểm dưới 5.
Qua đánh giá của ban tổ chức, sau 2 ngày diễn ra hội thi các thí sinh đã thể hiện xuất sắc năng khiếu nghe, nói, đọc, viết của học sinh dân tộc thiểu số điểm trường lẻ cấp tiểu học tại các phần thi. Hội thi đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Kết thúc hội thi ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3 và 5 giải khuyến khích cho 11 đội các phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giải nhất thuộc về đội thi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Gia.
Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh tham dự hội thi
Thông qua hội thi nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt, bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, tạo sân chơi bổ ích và lý thú, giúp học sinh thực sự được giao lưu, chia sẻ vốn tiếng Việt và kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt trong học tập cũng như trong ứng xử hằng ngày.
Ý kiến ()