Số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới vượt mốc 5 triệu
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong vì COVID-19. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 350 người và CH Bắc Macedonia.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 30/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 246.743.439 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó số ca tử vong đã vượt mốc 5 triệu với 5.004.370 ca.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 223.529.314 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 765.722 ca tử vong trong tổng số 46.771.979 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 457.773 ca tử vong trong số 34.259.719 ca. Brazil đứng thứ 3 với 607.504 ca tử vong trong số 21.793.401 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong vì COVID-19. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 350 người và CH Bắc Macedonia với 341 người/100.000 dân.
Châu Á thận trọng mở cửa du lịch
Tại châu Á, Campuchia đã bắt đầu lộ trình hướng tới khôi phục và thúc đẩy ngành du lịch trong và sau đại dịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm liên tục kể từ đầu tháng 10.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth cho biết “cơ chế hộp cát” – mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch – cho phép khách du lịch quốc tế đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) kể từ ngày 30/11 tới mà không cần cách ly là bước đi đầu tiên trong chiến lược tổng thể từng bước mở cửa trở lại đón khách quốc tế. Nếu thành công, cơ chế này sẽ mở đường cho Campuchia đón khách du lịch không cần cách ly.
Bộ Y tế Campuchia ngày 29/10 xác nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày ở mức thấp nhất trong tháng 10 với 101 ca, trong đó có 18 ca nhập cảnh. Bộ trên cũng thông báo về 7 ca tử vong mới, trong đó có 5 ca chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Tại Trung Quốc, giới chức thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu người dân hoãn tổ chức đám cưới và tổ chức tang lễ ngắn gọn trong bối cảnh quốc gia này đang siết chặt kiểm soát dịch bệnh.
Theo chính quyền Bắc Kinh, các địa điểm du lịch sẽ hạn chế hơn nữa trong tiếp nhận du khách, trong khi công viên giải trí Universal Studios mới khai trương sẽ bị đặt trong tình trạng khẩn cấp ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo nền tảng theo dõi hàng không Feichangzhun của Trung Quốc, hai sân bay chính ở Bắc Kinh ngày 29/10 đã hủy khoảng 50% số chuyến bay, tương đương hàng trăm chuyến.
Do lo ngại dịch bệnh bùng phát, một số thành phố khác của Trung Quốc cũng tăng cường biện pháp phòng dịch. Chính quyền Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, cảnh báo 10 triệu cư dân không nên ra nước ngoài du lịch và dừng hoạt động 1/3 số chuyến tại sân bay của thành phố.
Châu Âu: Italy phân loại khách quốc tế, Nga ghi nhận sự khác biệt về ca tử vong
Tại châu Âu, Italy đã chính thức gia hạn các quy định về phòng chống COVID-19 đối với hầu hết khách quốc tế. Bộ Y tế nước này đã ban hành sắc lệnh mới, cập nhật các quy định dành cho khách quốc tế, sau khi những quy định trước đó hết hạn vào ngày 25/10.
Các quy định mới được áp dụng cho đến ngày 15/12, chỉ có những thay đổi nhỏ dành cho hành khách đến từ hầu hết các quốc gia. Sắc lệnh mới chỉ nêu tên Mỹ, Canada và Nhật Bản là các quốc gia mà hành khách có thể xuất trình giấy chứng nhận phục hồi từ COVID-19 thay cho chứng nhận đã tiêm vaccine.
Hành khách đến từ Israel hiện đã được bao gồm trong số những quốc gia khác nằm trong Danh sách D, có nghĩa là chỉ cần giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine trước khi nhập cảnh ít nhất 14 ngày.
Với sắc lệnh mới, một số quốc gia đã bị chuyển từ Danh sách D ít hạn chế hơn sang Danh sách E như Albania, Armenia, Bosnia và Herzegovina, Brunei, Liban, Moldova, Montenegro, Cộng hòa Bắc Macedonia và Serbia. Trong khi đó Bahrain, Chile, Kuwait, Rwanda và Uruguay là những quốc gia được chuyển từ Danh sách E sang Danh sách D.
Hành khách đến từ các quốc gia trong Danh sách E không được phép đến Italy để du lịch mà chỉ dành cho những lý do như đi làm, chữa bệnh hoặc học tập, hay trở về nơi cư trú đã đăng ký hoặc để đoàn tụ với công dân hoặc cư dân Italy mà hành khách đã được chứng minh có mối quan hệ ổn định.
Mọi hành khách đến từ các quốc gia này đều phải tự cách ly 10 ngày và xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính, được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi đến Italy – nhưng không cần tiêm vaccine hoặc có giấy chứng nhận phục hồi từ COVID-19.
Tất cả hành khách đều phải điền vào mẫu định vị hành khách của Liên minh châu Âu (EU), xác định nơi cư trú của họ khi ở Italy, bất kể họ có bị cách ly hay không.
Cơ quan Thống kê nhà nước của Nga (Rosstat) thông báo ít nhất 44.265 người đã tử vong trong tháng 9 tại Nga do dịch COVID-19 và những nguyên nhân liên quan, cao gần gấp đôi con số 24.031 do chính phủ công bố trước đó.
Con số trên nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 ở Nga lên gần 450.000 người, cao nhất châu Âu. Trong khi đó, con số thống kê tương tự của chính phủ Nga là 236.220 ca.
Số ca tử vong đã giảm từ mức đỉnh 51.044 người vào tháng 7, tuy vậy số ca mắc bệnh và tử vong bắt đầu tăng trở lại trong nửa sau của tháng 9 và liên tục chạm các mốc cao trong tháng này, khiến giới chức tái áp đặt các biện pháp hạn chế về y tế chặt chẽ hơn.
Các nhà chức trách giải thích về sự khác biệt này là bởi thực tế chính phủ chỉ tính những trường hợp tử vong do nguyên nhân chính là nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi khám nghiệm tử thi trong khi Rosstat công bố số liệu theo một định nghĩa tổng thể về các trường hợp tử vong liên quan tới loại virus này.
Giới chức cho rằng số ca mắc gia tăng trong đợt dịch mới là do biến thể Delta có độc lực cao hơn và vì người dân không tự nguyện tiêm vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.
Châu Mỹ: Tình hình tiêm chủng tại Mexico và Mỹ
Cũng trong ngày 29/10, Mexico thông báo hoàn tất mục tiêu tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho người trưởng thành, sau 10 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng.
Cụ thể, Mexico đã tiêm hơn 125 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 cho trên 74 triệu người, chiếm 83% dân số trên 18 tuổi của cả nước. Trong đó, 81% đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng và 19% đang chờ tiêm mũi thứ hai.
Trước cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, Mexico đã đặt mua 250 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, AstraZeneca, Sinovac, CanSino, Johnson & Johnson và Moderna, cũng như vaccine Sputnik của Nga, đến nay Mexico đã tiếp nhận gần 147,3 triệu liều.
Quốc gia này đã triển khai hơn 14.000 trung tâm tiêm chủng với gần 305.000 nhân viên nhằm bảo đảm tiếp cận mọi người dân, bao gồm cả những cộng đồng vùng sâu vùng xa và có hoàn cảnh khó khăn.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Theo FDA, loại vaccine này có hiệu quả gần 91% trong việc ngăn ngừa COVID-19 cho nhóm tuổi, mặc dù liều lượng nhỏ hơn. Liều dùng cho trẻ em bằng 1/3 liều khuyến cáo cho người từ 12 tuổi trở lên.
Châu Phi: Nguy cơ thiếu hụt ống tiêm dùng một lần
Trong khi đó, chính phủ Nam Phi đã cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa COVID-19 dạng viên do công ty dược phẩm Oramed của Israel bào chế.
Vaccine dạng uống hiện là chế phẩm đặc biệt hấp dẫn đối với các quốc gia đang phát triển, do có thể giúp các nước này giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng. Đối với các quốc gia giàu có, vaccine dạng uống cũng có thể khuyến khích người dân sử dụng làm biện pháp phòng vệ để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), châu Phi sắp phải đối mặt với “nguy cơ thiếu hụt” khoảng 2,2 tỷ ống tiêm dùng một lần, trong đó có loại ống tiêm tự hủy sử dụng cho tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Đây là loại ống tiêm có khả năng tự hủy sau lần tiêm đầu tiên nên không thể tái sử dụng, thích hợp cho mọi hình thức tiêm chủng. Tình trạng thiếu hụt này sẽ kéo dài trong ít nhất trong quý 1 năm 2022.
Nếu không có biện pháp nào được thực thi, chỉ 5 nước châu Phi – gần 10% dân số châu lục – đạt mục tiêu tiêm chủng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra, bao gồm quần đảo Seychelles, Mauritius, Maroc, Tunisia và Cape Verde.
WHO đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, 82 quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do nguồn cung không đủ.
G20 tập trung vào vaccine chống COVID-19
Ngày 29/10, các Bộ trưởng Tài chính và Y tế của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bày tỏ mong muốn 70% dân số thế giới được tiêm vaccine COVID-19 trong vòng 8 tháng tới và thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đối phó hiệu quả hơn với đại dịch này.
Các bộ trưởng G20 nêu rõ: “Để giúp tiến tới các mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022… chúng tôi sẽ thực hiện các bước để giúp tăng nguồn cung vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu, các yếu tố đầu vào ở các nước đang phát triển và gỡ bỏ các ràng buộc về nguồn cung và tài chính liên quan.”
Thông cáo cho biết Nhóm đặc nhiệm chung về Y tế-Tài chính G20 được thành lập nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác toàn cầu về các vấn đề liên quan sự sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó với đại dịch, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, phát triển các thỏa thuận phối hợp giữa các bộ tài chính và y tế, tăng cường hành động tập thể, đánh giá và giải quyết các trường hợp khẩn cấp y tế có tác động xuyên biên giới, đồng thời khuyến khích quản lý hiệu quả các nguồn lực.”
Theo các bộ trưởng G20, cơ quan mới này được thành lập do đại dịch COVID-19 đã cho thấy những “thiếu sót nghiêm trọng” trong khả năng điều phối phản ứng với dịch bệnh của thế giới./.
TheoVietnamplus
Ý kiến ()