Số ca mắc COVID-19 xu hướng chững lại trên phạm vi toàn cầu
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Ảnh: Reuters |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 232.967.514 ca, trong đó có 4.767.380 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Tuy nhiên, nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 50.000 ca.
Theo TTXVN, đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 209 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/9, thế giới có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường
Chính phủ Nhật Bản ngày 27/9 cho biết kể từ ngày 1/10 tới, nước này sẽ nới lỏng các quy định về cách ly đối với những khách nhập cảnh đã tiêm ngừa COVID-19.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch khởi động lại du lịch quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các trường hợp đã được tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày – giảm 4 ngày so với quy định trước đó.
Sau khi hết thời hạn cách ly, những người đã được tiêm phòng đầy đủ có thể tự do đi lại trong lãnh thổ Nhật Bản nếu họ có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, quy định nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/ BioNTech, Moderna và AstraZeneca.
Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) đã được giảm cấp độ tại nhiều vùng, trong khi các trung tâm mua sắm, nhà thờ, địa điểm du lịch đã bắt đầu mở cửa trở lại và các trường bắt đầu tổ chức học trực tiếp. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Indonesia lưu ý rằng kết quả này không thể tách rời việc thực hiện PPKM, tiêm chủng đại trà và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các quy định y tế. Tổng thống Indonesia yêu cầu người dân giữ gìn ý thức và không được mất cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh dù nhiều biện pháp hạn chế xã hội đã được nới lỏng.
Tại Malaysia, chính phủ nước này dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chủ tịch Hội đồng Hồi phục quốc gia Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ dự kiến vào đầu hoặc giữa tháng 10 sẽ cho phép người dân đi lại xuyên bang. Khi đó, tỉ lệ hoàn thành tiêm chủng ở nhóm người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 90%. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ Trình tự vận hành tiêu chuẩn (SOP). Hội đồng Hồi phục quốc gia đã thảo luận vấn đề mở cửa biên giới, bao gồm cho phép những người Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng ra nước ngoài và cho phép các doanh nhân, du khách… được nhập cảnh.
Cuba cũng chuẩn bị cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng, trung tâm mua sắm và các bờ biển tại các tỉnh có số lượng ca mắc mới giảm dần thời gian qua dù quốc gia này hiện vẫn có tỉ lệ lây nhiễm trên số dân thuộc nhóm cao nhất trên toàn thế giới.
Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế trong thời kỳ phong tỏa được đưa ra khi quốc gia vùng Caribe chuẩn bị đón mùa cao điểm du lịch. Chính phủ Cuba đã tuyên bố từ tháng 11 tới, cho phép tăng số lượng chuyến bay, chấp nhận chứng nhận tiêm phòng COVID-19 đối với khách di chuyển trong nước thay vì yêu cầu bắt buộc xét nghiệm PCR. Giới chức đã lựa chọn 533 cơ sở kinh doanh có thể nối lại những dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp tại thủ đô, trong đó có 315 nhà hàng. Hiện các dịch vụ ăn uống tại đây mới chỉ được phép phục vụ đồ mang về.
Bộ trưởng Thương mại nội vụ Betsy Diaz cho biết trong những ngày qua Cuba đã đạt các điều kiện để dần mở cửa các dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp. Giới chức y tế nhận định số ca mắc mới COVID-19 tại nước này bắt đầu giảm trong tháng 9 sau những tháng mùa Hè liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, dịch bệnh được cho là vẫn sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế tại những tỉnh triển khai tiêm phòng sau thủ đô Havana. Cuba đang nỗ lực tăng tốc để đạt mục tiêu tiêm phòng cho hơn 90% dân số vào giữa tháng 11 tới, sử dụng các vaccine nội địa.
Pfizer thử nghiệm lâm sàng thuốc viên
Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa và cuối loại thuốc viên kháng virus SARS-CoV-2 dành cho những người có khả năng đã nhiễm bệnh. Từ tháng 3/2020, hãng Pfizer đã bắt đầu phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng viên, có tên PF-07321332 và tiến hành thử nghiệm kết hợp với thuốc Ritonavir – loại thuốc đã được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát lây nhiễm HIV.
Theo Pfizer, thử nghiệm có sự tham gia của 2.660 người trưởng thành, là những người bắt đầu có triệu chứng bệnh hoặc được xác định mới tiếp xúc với nguồn bệnh. Những tình nguyện viện này sẽ được chỉ định ngẫu nhiên uống thuốc PF-07321332 kết hợp với ritonavir hoặc uống giả dược 2 lần/ngày trong 5 hoặc 10 ngày. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá độ an toàn và hiệu quả của PF-07321332 trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và sự phát triển của các triệu chứng bệnh trong 14 ngày.
Nhiều hãng dược khác đang thử nghiệm các thuốc uống hiện có để điều trị COVID-19, song Pfizer là hãng dược đầu tiên bào chế thuốc viên chống virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thuốc PF-07321332, nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản, việc dùng thuốc có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Tại Hàn Quốc, các hãng dược của nước này cũng đang phát triển 11 loại thuốc trị COVID-19 dạng uống, song vẫn sẽ mất nhiều thời gian trước khi thuốc có thể chính thức được tung ra thị trường. Chi phí điều trị nếu dùng thuốc dạng uống được ước tính lên tới hơn 900.000 won (hơn 765 USD). Chính phủ dự định chi trả toàn bộ chi phí này cho người bệnh.
Việc phát triển thành công thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đang được kỳ vọng là điều kiện cần thiết để đưa cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân trở lại bình thường, giảm lo lắng về dịch bệnh, giúp người bệnh dễ dàng điều trị tại nhà./.
Ý kiến ()