Số ca mắc COVID-19 tăng cao tại nhiều nước
Vài ngày gần đây, số người mắc COVID-19 ở nhiều nước tăng cao, trong đó có liên quan đến biến thể dòng phụ của Omicron (BA.4 và BA.5). Trước tình hình này, chính quyền và cơ quan y tế sở tại phải áp dụng biện pháp ứng phó.
Tại Nhật Bản, số ca mắc tiếp tục tăng. Ngày 5/7, đã có hơn 36.000 ca mắc, tăng 90% so với tuần trước. Giới chức y tế cho biết biến thể phụ BA.5 của Omicron, vốn có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, có thể chiếm phần lớn số ca nhiễm mới.
Bộ Y tế Nhật Bản đề nghị các địa phương tăng cường năng lực của các cơ sở y tế để bảo đảm xét nghiệm đầy đủ cho người có các triệu chứng như bị sốt, đồng thời bảo đảm đủ giường bệnh để ứng phó với khả năng số bệnh nhân cao tuổi gia tăng cũng như chuẩn bị thiết lập các cơ sở y tế tạm thời.
Tại Hàn Quốc, ngày 6/7, cơ quan chức năng công bố trong 24h (tính đến 0h ngày 6/7), cả nước ghi nhận 19.371 ca mắc COVID-19 mới. Số ca mắc mới đã tăng 1,85 lần so với 1 tuần trước và 2,15 lần so với hai tuần trước. Số ca nhiễm bình quân ngày trong tuần vừa qua là 11.950 ca.
Để điều trị người mắc bệnh, các phòng cấp cứu tại Hàn Quốc vẫn hoạt động 24/24 giờ. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối tháng 7, chính quyền các địa phương đồng loạt rà soát tình hình phòng dịch tại các doanh nghiệp, công trường xây dựng có tuyển dụng người lao động nước ngoài…
Tại Italy, số ca mắc mới trong ngày 6/7 tiếp tục ở mức hơn 100.000 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp, trong đó biến thể phụ Omicron BA.5 là tác nhân khiến bệnh lây lan rộng.
Đáng chú ý là số trẻ em phải nhập viện điều trị trong 1 tuần đã tăng 84% (từ 51 trẻ ngày 28/6 lên 94 trẻ vào ngày 5/7) và 78% số ca phải nằm viện là trẻ em dưới 5 tuổi do tại Italy chưa có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi này.
Tại Bỉ, số ca mắc COVID-19 cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh với sự lây lan của biến thể phụ BA.5 của Omicron. Trong thời gian từ ngày 25/6 đến ngày 1/7, trung bình mỗi ngày tại Bỉ có 5.518 ca mắc mới COVID-19, tăng 44% so với tuần trước.
Để ứng phó với diễn biến mới, Bỉ sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng mới từ đầu tháng 9 tới và sẽ áp dụng theo mức độ ưu tiên đối với các nhóm tuổi (65 đến 80 tuổi và bị suy giảm miễn dịch; người từ 80 tuổi trở lên; nhân viên y tế).
Tại Pháp, ngày 5/7 cơ quan y tế công bố cả nước ghi nhận 206.554 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Tính trung bình tuần vừa qua, Pháp ghi nhận 120.000 ca mắc/ngày.
Hiện Pháp đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ 7 của COVID-19 đang hiện hữu. Vì vậy, Bộ trưởng Y tế Braun nhấn mạnh sự cần thiết của việc đeo khẩu trang ở nơi đông người.
Tại Cyprus, Bộ Y tế nước này thông báo áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại khu vực có không gian kín đối với những người trên 12 tuổi từ ngày 8/7, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.
Trong giai đoạn từ ngày 25/6-5/7, Cyprus đã có thêm 19.503 ca mới. Nguyên nhân của tình trạng này, theo giới chức y tế Cyprus, là do người dân đi lại không đeo khẩu trang. Trước đó, Cyprus đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang vào ngày 1/6.
Tại Australia, ngày 6/7 ghi nhận hơn 35.000 ca mắc mới COVID-19, đưa số ca mắc COVID-19 lên hơn 8 triệu trường hợp. Đây là lý do để Thủ tướng Australia Anthony Albanese bày tỏ ủng hộ việc kêu gọi các cơ quan quản lý y tế phê duyệt việc tiêm mũi tăng cường thứ 2 (mũi thứ 4) cho người dân.
Thủ tướng Austra cũng nhấn mạnh “điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng đại dịch này vẫn chưa kết thúc”.
Tại Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ tăng nhẹ khi ghi nhận khoảng 110.000 ca mắc/ngày và dòng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang là những biến thể chủ đạo của virus gây bệnh tại Mỹ (chiếm khoảng 70,1%).
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ tuần trước đã khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine điều chỉnh và bổ sung các thành phần chống BA.4 và BA.5 trong vaccine được sử dụng để tiêm các mũi nhắc lại bắt đầu từ mùa thu này.
Trong khi đó, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ khuyến nghị người dân nên đeo hoặc cân nhắc đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng./.
Ý kiến ()