SIPRI: Chi tiêu quốc phòng thế giới lần đầu tiên không tăng sau 13 năm liên tiếp
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm - SIPRI công bố ngày 17/4, việc các nước phương Tây cắt giảm ngân sách đã chấm dứt quãng thời gian 13 năm chi tiêu quốc phòng thế giới tăng liên tục, cho dù ngân sách quốc phòng của Nga và Trung Quốc vẫn tăng mạnh.Theo số liệu thống kê của SIPRI, trong năm 2011, cả thế giới chi 1.740 tỷ USD cho quân sự, tăng 0,3% so với mức 1.630 tỷ USD năm 2010. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ giá hối đoái và mức độ lạm phát trên thực tế, thì con số này là không thay đổi. Nếu tính theo GDP, chi tiêu quốc phòng giảm xuống còn 2,5% so với mức 2,6% trước đó. Điều này hoàn toàn trái ngược với mức tăng trung bình 4,5%/năm kể từ năm 2001 đến năm 2009. Theo SIPRI, hiện 6 nước thuộc top đầu thế giới về chi tiêu quốc phòng gồm Brazil, Pháp, Đức, Ấn Độ, Mỹ và Anh cũng đã thực hiện cắt giảm ngân sách quân sự trong năm 2011, chủ yếu nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách.Cụ thể, mức chi...
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – SIPRI công bố ngày 17/4, việc các nước phương Tây cắt giảm ngân sách đã chấm dứt quãng thời gian 13 năm chi tiêu quốc phòng thế giới tăng liên tục, cho dù ngân sách quốc phòng của Nga và Trung Quốc vẫn tăng mạnh.
Theo số liệu thống kê của SIPRI, trong năm 2011, cả thế giới chi 1.740 tỷ USD cho quân sự, tăng 0,3% so với mức 1.630 tỷ USD năm 2010. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ giá hối đoái và mức độ lạm phát trên thực tế, thì con số này là không thay đổi. Nếu tính theo GDP, chi tiêu quốc phòng giảm xuống còn 2,5% so với mức 2,6% trước đó. Điều này hoàn toàn trái ngược với mức tăng trung bình 4,5%/năm kể từ năm 2001 đến năm 2009.
Theo SIPRI, hiện 6 nước thuộc top đầu thế giới về chi tiêu quốc phòng gồm Brazil, Pháp, Đức, Ấn Độ, Mỹ và Anh cũng đã thực hiện cắt giảm ngân sách quân sự trong năm 2011, chủ yếu nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách.
Cụ thể, mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ – nước vẫn đứng ở vị trí thứ nhất, giảm 1,2% chỉ còn 711 tỷ USD trong năm 2011. Mức giảm này một phần là do kéo dài tình trạng “treo” về ngân sách tài khóa 2011. Xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở Mỹ có thể vẫn tiếp tục do những biện pháp ngăn chặn thâm hụt ngân sách đã được Quốc hội thông qua, cộng với việc rút quân khỏi Iraq và giảm quy mô chiến dịch quân sự ở Afghanistan.
Theo nhận định của SIPRI thì xu hướng giảm chi tiêu cho quốc phòng trên thế giới sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, bởi Mỹ-nước chiếm gần 1 nửa tổng mức chi tiêu quân sự trên toàn thế giới đã lên kế hoạch cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng trong thập kỷ tới.
Trong khi đó, 3 nước Tây Âu khác bao gồm Pháp, Đức và Anh hiện cũng đang thực hiện các chương trình cắt giảm chi tiêu, trong gói các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách. Kể từ năm 2008 cho tới nay, ngân sách quốc phòng của Pháp đã giảm 4%; Đức giảm 1,4% và Anh ở mức khiêm tốn nhất là 0,6% trong khi tiếp tục lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng trong thời gian tới.
Cũng theo bản báo cáo của SIPRI, các khoản chi tiêu quân sự tại các nước Mỹ Latinh đã giảm 3,3% trong năm 2011. Nước chi mạnh tay nhất cho ngân sách quốc phòng trong khu vực là Brazil cũng đã cắt giảm 8,2% chi phí cho quân sự (tương đương 2,8 tỷ USD) trong năm 2011. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Brazil nhằm cải thiện tình hình kinh tế và giảm lạm phát. Tuy nhiên, việc cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng của Brazil cũng đã để lại tác động đáng kể đến mức chi tiêu cho quân sự tại toàn khu vực Mỹ Latinh trong năm 2011.
Ngược lại, ở những nước ít nhiều không phải chịu áp lực về ngân sách, chi tiêu cho quân sự trong năm 2011 tại một số nước vẫn gia tăng.
Với ngân sách quốc phòng 71,9 tỷ USD (tăng 9,3%) năm 2011, Nga đã vượt Anh và Pháp trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới. Cũng theo SIPRI thì hiện Chính phủ Nga đang thực hiện các chương trình tăng ngân sách quốc phòng, đặc biệt nhằm nâng cấp trang thiết bị, trong các công tác nghiên cứu, phát triển, và hỗ trợ cho ngành công nghiệp dịch vụ quân đội và công nghiệp vũ khí trong giai đoạn 2011-2020. Đây là một phần trong kế hoạch của chính quyền Moscow nhằm thay thế phần lớn trang thiết bị quân sự lạc hậu từ thời Xô Viết bằng các vũ khí hiện đại hơn vào năm 2020.
Trong khi đó, nếu tính từ năm 2002, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, hiện đứng thứ 2 sau Mỹ, đã tăng 170%. Điều này phản ánh sự phát triển ngoạn mục về kinh tế của Trung Quốc để trở thành “đại công xưởng” của thế giới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng cũng gây thêm quan ngại cho các nước láng giềng và nước lớn khác. Theo báo cáo của SIPRI, nếu tính theo tỷ lệ GDP, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức khá ổn định, khoảng 2%, kể từ năm 2001. Năm 2011, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 6,7% lên mức 143 tỷ USD. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm ngoái chiếm khoảng 4,7% GDP. Mặc dù vậy, SIPRI cho rằng phải mất từ 1-2 thế hệ nữa, trình độ công nghệ quân sự của Trung Quốc mới có thể đuổi kịp Mỹ, và vẫn còn quá sớm khi đề cập tới nguy cơ chạy đua vũ trang ở khu vực này.
Việc Trung Quốc tăng đáng kể ngân sách quốc phòng trong năm 2011 đã khiến cho toàn bộ khu vực châu Á và châu Đại Dương ghi nhận một mức tăng 2,4% cho các khoản chi tiêu trong lĩnh vực quân sự. Bất chấp việc Ấn Độ, trong năm 2011, đã cắt giảm 1,9 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng do phải đối mặt với tình trạng lạm phát ở mức cao.
Cũng theo bản báo cáo của SIPRI, trong năm 2011, chi phí quốc phòng tại khu vực châu Phi cũng tăng 8,6%, chủ yếu liên quan tới cuộc chiến tại Libya. Ngoài ra, chi phí quốc phòng tại một số nước khác thuộc khu vực Trung Đông như Iraq, Bahrain và Syria tăng đáng kể trong năm 2011, tiếp tục làm dấy lên nhiều quan ngại từ phía cộng đồng quốc tế về tình trạng mất ổn định của một khu vực vốn được xem là “chảo lửa” của thế giới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()