SIPRI: Các hoạt động buôn bán vũ khí trên toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ngày 20/2 đã công bố bản báo cáo mới nhất về các hoạt động chuyển giao một số loại vũ khí trên phạm vi quốc tế cùng với một nhận định rằng “kim ngạch buôn bán vũ khí toàn cầu trong 5 năm qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc”.
Cụ thể, báo cáo của SIPRI cho biết, số lượng các loại vũ khí chủ đạo được chuyển giao trong giai đoạn 2012-2016 đã tăng 8,4% so với 5 năm trước do nhu cầu gia tăng từ một số nước Trung Đông và châu Á. Báo cáo nêu rõ, lượng vũ khí nhập khẩu vào các nước Trung Đông đã tăng 86% so với giai đoạn 2007-2011, trong đó Ả rập Xê út tăng 212% và Qatar tăng 245%. Vũ khí được trang bị bởi các nước châu Á trong giai đoạn 5 năm qua đã tăng 7,7% trong khi số lượng vũ khí được nhập khẩu vào khu vực châu Phi và châu Âu lại có dấu hiệu thuyên giảm.
Lý giải về các vấn đề này, SIPRI cho rằng, các hoạt động mua bán vũ khí ở Trung Đông tăng là do các các cuộc xung đột vũ trang ở một số nước gồm Syria, Yemen và chiến dịch chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn chưa đi tới hồi kết. Trong khi đó, báo cáo cũng lưu ý tới một số nước châu Á và châu Đại Dương đang gia tăng nhập khẩu tàu khu trục và tàu ngầm.
Về mảng xuất khẩu vũ khí, báo cáo của SIPRI ghi nhận các nước gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức là top 5 nước xuất khẩu hàng đầu, chiếm tới 74% lượng vũ khí được lưu thông trên thế giới. Trong đó, Mỹ đứng ở vị trí số 1 khi chiếm tới 1/3 lượng vũ khí xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu. Nga đứng thứ hai chiếm 23% thị phần. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục nắm giữ vị trí là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới trong năm thứ 3 liên tiếp.
Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự và vũ khí của SIPRI – Tiến sĩ Aude Fleurant cho biết, Mỹ hiện là nước xuất khẩu vũ khí cho ít nhất 100 nước trên thế giới và giữ khoảng cách bứt phá so với các nước xuất khẩu vũ khí khác. “Lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Mỹ chiếm thị phần đáng kể trong các mặt hàng gồm máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa hành trình và đạn bắn có độ chính xác cao cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không thế hệ mới nhất” – ông Fleurant nói.
Cũng theo chuyên gia của SIPRI thì hiện đang xuất hiện một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước sản xuất vũ khí ở châu Âu với các nước thuộc nhóm dẫn đầu gồm Pháp, Đức và Anh. Theo ghi nhận của SIPRI thì hiện Mỹ và Pháp đang là nhà cung cấp vũ khí chính cho Trung Đông trong khi Nga và Trung Quốc là đối tác xuất khẩu vũ khí chủ lực cho các nước châu Á./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()