Sinh khí mới ở huyện nghèo
Từ năm 2012, huyện Ba Bể và Pác Nặm hỗ trợ nông dân tiền mua giống cây nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tỉnh Bắc Cạn xác định Chương trình 30a là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội hai huyện đặc biệt khó khăn là Ba Bể và Pác Nặm. Sau ba năm thực hiện, Chương trình 30a như một luồng sinh khí mới làm cho mỗi thôn, bản và các xã có thêm sức bật và khởi sắc. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần khắc phục.Tạo ra nền tảng cơ bảnGiáo Hiệu là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Pác Nặm, khó khăn nhất là giao thông, thủy lợi, trạm y tế thiếu và xuống cấp; nhân dân thiếu đất canh tác, không có kiến thức làm ăn, thiếu vốn, sản xuất tự cung tự cấp, năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 59%. Thực hiện Chương trình 30a, Đảng ủy và chính quyền xã xác định phải giải quyết những khâu yếu nhất ở địa phương, các dự án đầu tư, chương trình hỗ trợ đều phải nhằm vào...
Từ năm 2012, huyện Ba Bể và Pác Nặm hỗ trợ nông dân tiền mua giống cây nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. |
Tạo ra nền tảng cơ bản
Giáo Hiệu là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Pác Nặm, khó khăn nhất là giao thông, thủy lợi, trạm y tế thiếu và xuống cấp; nhân dân thiếu đất canh tác, không có kiến thức làm ăn, thiếu vốn, sản xuất tự cung tự cấp, năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 59%. Thực hiện Chương trình 30a, Đảng ủy và chính quyền xã xác định phải giải quyết những khâu yếu nhất ở địa phương, các dự án đầu tư, chương trình hỗ trợ đều phải nhằm vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nhân dân. Dẫn chúng tôi đi thăm kênh mương Nà Hin, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Vanh hào hứng kể: “Hai cánh đồng này rộng hơn chín ha, những năm trước mất rừng dẫn đến nguồn nước cạn kiệt; lại là mương đất nên nước thẩm thấu hao hụt, cứ đến vụ là bà con lại lo nước tưới, năm nào mưa muộn là không cấy được lúa xuân, bà con Nà Hin, Nà Thiêm lại thiếu đói. Nay kênh mương Nà Hin được xây bê-tông, khoán khoanh nuôi tái sinh rừng, nguồn sinh thủy được phục hồi cung cấp nước tưới ổn định, Nà Hin, Nà Thiêm trở thành cánh đồng bờ xôi ruộng mật, cấy mỗi năm hai vụ lúa ăn chắc. Cả trăm hộ đồng bào Tày, Nùng ở Nà Hin, Nà Thiêm không những đã giải quyết được cái ăn hằng ngày mà còn vươn lên có bình quân lương thực vào tốp cao nhất huyện”.
Đến nay, nhân dân Giáo Hiệu đã nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ, trồng mới hơn 300 ha rừng đầu nguồn với mức hai trăm nghìn đồng/ha/năm. Các hộ chưa tự túc được lương thực, trồng rừng mới được cấp 15 kg gạo/người/tháng nên không còn thiếu đói mà diện tích được phủ xanh ngày càng mở rộng. Đầu năm 2012, Trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia ở trung tâm xã, gồm ba căn nhà kiên cố, gần mười phòng nội trú, có nhà bếp, phòng hộ sinh, được đưa vào sử dụng, huyện điều một bác sĩ về xã công tác. Từ đó, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, những bệnh thông thường được chữa trị ngay tại xã. Mấy năm trước, gần 20 hộ đồng bào Sán Chí ở thôn Nà Thiêm bên kia suối Giáo Hiệu như bị tách biệt với xã hội mỗi khi mưa lũ cuốn trôi cầu tạm. Từ khi cầu treo Nà Thiêm được xây dựng, việc đi lại của nhân dân, học hành của con em không bị gián đoạn như trước.
Các hộ nghèo ở Giáo Hiệu được Chương trình 30a đầu tư khai hoang, tạo bảy ha ruộng bậc thang, hỗ trợ mua gần 87 con trâu, bò, xóa nhà tạm, cấp giống cây trồng, phân bón. Xã được tăng cường năm trí thức trẻ, một trí thức trẻ vừa được đưa về làm Phó Chủ tịch UBND xã hoạt động năng nổ, hiệu quả đã góp phần khắc phục “khoảng trống” về năng lực của đội ngũ cán bộ xã. Ba năm qua, xã Giáo Hiệu có 156 hộ vươn lên thoát nghèo, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Du cho biết: “Ba năm qua, hai huyện Ba Bể và Pác Nặm được đầu tư gần 220 tỷ đồng, đã giao khoán bảo vệ hơn mười nghìn ha rừng, hỗ trợ xóa toàn bộ nhà tạm cho hộ nghèo. Đưa 53 công trình giao thông nông thôn, 72 công trình thủy lợi, tám trạm y tế xã, chín công trình cấp điện sinh hoạt, ba trường học vào sử dụng. Hai huyện còn nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp với số tiền gần 32 tỷ đồng để xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xây dựng nhà nội trú dân nuôi, trạm y tế. Các ngân hàng trên địa bàn cam kết không để nhân dân thiếu vốn. 120 cán bộ từ tỉnh, huyện, trí thức trẻ được điều động, tuyển dụng đưa về xã công tác giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Đó là những nền tảng cơ bản, giúp hai huyện Ba Bể và Pác Nặm, mỗi năm giảm từ 5 đến 7% số hộ nghèo”.
Để huyện nghèo vươn lên
Đến nay, các chính sách thực hiện Chương trình 30a bộc lộ sự không đồng bộ, chưa rõ ràng khiến các địa phương lúng túng, khó tổ chức thực hiện. Ba năm qua, hai huyện Ba Bể và Pác Nặm mới được cấp 3% số vốn so với đề án được phê duyệt đến năm 2020 và việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Dương Văn Huấn nói: “Từ năm 2012, chúng tôi căn cứ vào kế hoạch vốn để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng. Nhưng theo quy định, sau khi thuê tư vấn làm hồ sơ dự án, gửi về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xem xét, sau đó sở này tập hợp gửi sang Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; sở này thẩm định xong trình lên UBND tỉnh để gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho ý kiến, sau đó chuyển cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến tiếp, nếu bộ này đồng ý thì quay về cấp có thẩm quyền mới được phê duyệt dự án. Tiếp đến là hàng loạt các thủ tục hành chính nữa thì dự án mới được triển khai, công trình được khởi công thì đã hết năm, không giải ngân được thì bị cắt hoặc điều chuyển vốn”.
Đến nay có 1.700 nông dân ở hai huyện Ba Bể và Pác Nặm được dạy nghề là quá ít so với nhu cầu, việc dạy nghề chưa thật sự gắn với giải quyết việc làm. Một số địa phương tổ chức cho dân đi học cả nghề không có nhu cầu nên học xong để đấy. Giá trị một con gia súc có thể cày kéo được là 15 triệu đồng, nhưng địa phương chỉ chi tám triệu đồng cho nên hộ nghèo chỉ mua được con bê, nghé không cày ngay được, một số bị chết rét trong mùa đông, hộ nghèo tay trắng. Bên cạnh đó, công tác giám sát chưa tốt, nên nhiều hộ được hỗ trợ tiền nhưng lại làm chuồng trại sơ sài, tạm bợ, được cấp gạo ăn trồng rừng mà lại bán, thậm chí đổi lấy rượu uống ngay sau khi nhận. Việc mở đường giao thông nông thôn ở miền núi cần đầu tư tuyến nào kiên cố tuyến ấy, tránh tình trạng làm đường đất, sau một mùa mưa bị xói lở không đi lại được, lại phải sửa chữa gây lãng phí. Nhiều nơi không căn cứ vào quy hoạch vùng, tiềm năng lợi thế, đầu ra sản phẩm dẫn đến hỗ trợ cây trồng, phân bón dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, nông dân trồng trong vườn nhà mấy loại cây, nhưng không loại nào trở thành hàng hóa do số lượng ít, không có thị trường tiêu thụ nên vẫn loay hoay trong tình trạng tự cung tự cấp, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()