Singapore - cầu nối giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ra thế giới
Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử để đưa hàng vào Singapore và xa hơn là ra thị trường quốc tế với chi phí thấp hơn nhiều so với các kênh truyền thống.
Tận dụng cơ chế thông thoáng, điều kiện dịch vụ chất lượng cao của Singapore để mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong những “đường tắt” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vượt qua khó khăn hiện nay, từng bước vươn ra khu vực và thế giới.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Thị trường Singapore – Cơ hội và thách thức cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức sáng 7/10.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, cho biết Singapore có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á nhờ vị trí chiến lược, nằm trên đường vận tải hàng hải quốc tế cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2019, quy mô nền kinh tế Singapore xếp ở vị trí thứ 37 thế giới; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 59.590 USD, xếp thứ 11 thế giới và thứ 3 châu Á.
Quy mô dân số không lớn, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên nên tiêu dùng trong nước của Singapore phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu nên đây chính là thị trường mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể khai thác để mở rộng tiêu thụ trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Giám đốc quốc gia Vietcham Singapore Phan Phi Long cho biết ngoài các kênh phân phối truyền thống như FairPrice, 7Eleven, ShengSiong, Giant, Ang Mo Supermarket, Market Place…, thị trường thương mại điện tử tại Singapore đang tăng trưởng nhanh.
Hệ sinh thái thương mại điện tử tại Singapore đặc biệt phát triển và mua sắm là một hình thức giải trí được ưa thích ở Singapore và ngày càng phổ biến với những người trẻ trưởng thành, hộ gia đình có thu nhập cao.
Khoảng 60% doanh số thương mại điện tử của Singapore đến từ những đơn hàng ở ngoài biên giới. Bên cạnh Amazon, E-bay, Apple… những trang thương mại điện tử khác tại Singapore bao gồm Taobao, Qoo10, Lazada, Zalora, Carousell, Redmart, Reebonz, HipVan và Alibaba cũng đạt doanh số rất lớn và có nhà cung cấp lẫn khách hàng khắp nơi trên thế giới.
Giám đốc khu vực Đông Dương Vietcham Singapore Phillip Phùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN Trong ảnh: Phó Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN Trong ảnh: Giám đốc khu vực Đông Dương Vietcham Singapore Phillip Phùng phát biểu tại hội thảo.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử để đưa hàng vào Singapore và xa hơn là ra thị trường quốc tế với chi phí thấp hơn nhiều so với các kênh phân phối truyền thống.
Ông Phillip Phùng – Giám đốc khu vực Đông Dương Vietcham Singapore, thông tin Singapore là một thương cảng tự do và có độ mở rất lớn, gần như không có hạn chế nào với nhập khẩu, không có bất cứ rào cản phi thuế quan nào ngoài những tiêu chuẩn được các tổ chức quốc tế quy định (OIE và Codex). Hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế (trừ ô tô, xăng dầu, rượu, thuốc lá…).
Singapore là nơi có cảng biển và dịch vụ logistics phát triển, luôn đứng đầu trong các quốc gia Đông Nam Á về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2019, Singapore đứng thứ 15 về xuất khẩu và đứng thứ 16 về nhập khẩu hàng hóa trên thế giới.
Trung bình mỗi ngày cảng biển của Singapore có 60 tàu ra, vào tương đương với 91.000 container hàng hóa được lưu thông qua lại; trong đó, 5% lượng hàng sẽ được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều địa điểm trên toàn thế giới thông qua chuỗi cung ứng.
Chính vì vậy, hợp tác đưa sản phẩm Việt Nam vào Singapore không chỉ giúp khai thác thị trường tại chỗ mà còn là cầu nối hiệu quả để giới thiệu và xúc tiến xuất khẩu đến các thị trường khác có quy mô lớn hơn – ông Phillip Phùng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, thâm nhập và kinh doanh thành công ở thị trường Singapore sẽ là bàn đạp cho doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm của mình vươn xa ra toàn cầu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, chú ý đến bao bì, mẫu mã, chỉ dẫn bằng tiếng Anh và những chứng chỉ chất lượng sản phẩm như HACCP, Halal…
Việt Nam được biết đến là quốc gia có lợi thế về sản xuất nhưng về lâu dài, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng quốc tế./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()