Siêu nhiên liệu cho cuộc cách mạng xanh
Thúc đẩy cách mạng xanh về nguồn năng lượng dần trở thành trọng tâm của các chính sách phát triển bền vững, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống ở mọi châu lục.
Cùng với năng lượng tái tạo, công nghệ sử dụng hy-đrô đang được nhiều quốc gia đầu tư phát triển, với kỳ vọng thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Hằng năm, lượng phát thải toàn cầu từ tiêu thụ nhiên liệu lên đến hơn 30 tỷ tấn các-bon đi-ô-xít (CO2) – ngưỡng kỷ lục mà thế giới đã vượt kể từ năm 2010. Những năm qua, lượng khí phát thải ra môi trường tăng lên nhanh chóng, do nhu cầu năng lượng tăng cao khi nền kinh tế thế giới phát triển ổn định và những tác động của biến đổi khí hậu khiến nhu cầu điều hòa (làm mát hoặc sưởi ấm) ngày càng lớn. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong các báo cáo năm 2019 và 2020 chỉ rõ, nhiệt điện than và nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, khí đốt…) hiện là hai nguồn phát thải chủ yếu, chiếm tới 85% tổng lượng khí phát thải trên thế giới.
Năm 2020, cả thế giới phải gồng mình chống đại dịch Covid-19, IEA ước tính, những biện pháp giãn cách xã hội và sự suy giảm trong hoạt động kinh tế đã khiến tổng nhu cầu năng lượng giảm 6%. Ðây là con số kỷ lục trong vòng 70 năm trở lại đây của ngành năng lượng toàn cầu, cao gấp bảy lần tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tương đương tổng mức năng lượng được sử dụng trong cả năm 2019 của các nước Anh, Pháp, I-ta-li-a và Ðức. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, năm 2021 có thể là thời điểm thích hợp để các chính phủ hiện thực hóa cách mạng xanh, thay đổi nguồn năng lượng phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế những thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo các nhà nghiên cứu về môi trường, đến năm 2019, các nguồn năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nhiên liệu sinh học…, đóng góp khoảng 11% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu và khoảng 25% nhu cầu điện năng. Hy-đrô đã được sử dụng làm nhiên liệu từ đầu thế kỷ 19, tuy nhiên những rào cản công nghệ, tính an toàn, giá thành và lượng khí thải từ quy trình chiết xuất khiến hy-đrô trước đây chưa được quan tâm bằng những công nghệ năng lượng tái tạo khác. Những bước phát triển trong công nghệ mới sử dụng nguồn điện từ năng lượng tái tạo để chiết xuất “hy-đrô xanh” từ nước, biến hy-đrô thành nguồn năng lượng có tiềm năng ứng dụng sạch nhất hiện nay. So với công nghệ xe chạy điện, phương tiện sử dụng hy-đrô có lợi thế là không có sản phẩm phụ, chỉ thải ra nước, trong khi xe chạy điện sẽ cần thay thế các tấm pin năng lượng.
Ủy ban châu Âu (EC) mới công bố khoản đầu tư 470 tỷ ơ-rô trong chiến lược phát triển, khuyến khích sử dụng “hy-đrô xanh”, nhằm giúp Liên hiệp châu Âu (EU) đạt mục tiêu không phát thải từ năm 2050. Ca-na-đa cũng đã đầu tư xây dựng một nhà máy ở Kê-bếch chiết xuất “hy-đrô xanh” có công suất 11.000 tấn hy-đrô/năm, dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2023. Nhiều quốc gia khác, như Ðức, Ðan Mạch, Hàn Quốc, Ấn Ðộ…, đều đã khởi công xây dựng những nhà máy điện hy-đrô hoặc khu chiết xuất “hy-đrô xanh” hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon.
Được xem là siêu nhiên liệu, “hy-đrô xanh” có tiềm năng cạnh tranh và thay thế các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch truyền thống, nhất là khi các công nghệ tiên tiến giúp giảm giá thành sản xuất và loại bỏ sản phẩm phụ phát thải. Ðể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về năng lượng, khi nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thế giới cần thêm sự lựa chọn. “Hy-đrô xanh” có thể sẽ là công cụ của cuộc cách mạng xanh toàn cầu.
Ý kiến ()