Siêu hạn hán ở miền Tây nước Mỹ
Thật khó để tưởng tượng ngay tại quốc gia phát triển nhất thế giới như Mỹ, người dân lại phải trải qua cảnh thiếu nước tới mức phải tích cực tái chế nước thải để sử dụng.
Thế nhưng, đó là điều đang diễn ra ở các bang miền tây nước này.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change, miền Tây của xứ cờ hoa đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2021 là thời kỳ khô hạn nhất trong 1.200 năm ở miền Tây nước Mỹ. Và nhiều dấu hiệu cho thấy, tình trạng khí hậu khắc nghiệt này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chính con người là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra khiến trận siêu hạn hán tồi tệ hơn 72%. Nguồn nước ít ỏi bị tác động trực tiếp từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người, dẫn đến những tháng khô hạn kéo dài tại khu vực này.
Lòng hồ Oroville ở California khô nứt vào tháng 10-2021. Ảnh: CNN |
Ví dụ điển hình là Los Angeles. Hồi tháng 12 năm ngoái, lượng mưa tại đây chỉ ở mức gần 250mm. Thế nhưng, đó đã là tháng ẩm ướt kỷ lục thứ hai của thành phố này. Tháng 1 vừa qua, lượng mưa tại đây chưa đến 25mm. Đến giữa tháng 2, mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn.
Theo CNN, vì khô hạn kéo dài, hiện tại, 90% lượng nước mà người dân Los Angeles sử dụng được mang về từ Bắc California, dãy núi Sierra Nevada và lưu vực sông Colorado. Để khắc phục tình trạng phụ thuộc này, các quan chức ở Los Angeles đã cho đào một số bồn đất lớn để hấp thụ lượng mưa ít ỏi.
Kế hoạch tái chế 100% lượng nước thải để tái sử dụng cũng đang được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu 70% lượng nước của thành phố sẽ được khai thác tại địa phương vào năm 2035. Bà Traci Minamide, Giám đốc điều hành Công ty Vệ sinh và Môi trường Los Angeles cho biết: “Điều đó sẽ giúp chúng tôi cung cấp nguồn nước tại địa phương bền vững và liên tục”.
Ý kiến ()