Siết sở hữu chéo, nới cho vay chứng khoán, bất động sản
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với nhiều thay đổi được cho là giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh hơn, ông Phạm Huyền Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) đã có những chia sẻ với Phóng viên (PV) chung quanh vấn đề này.
PV: Thông tư 36 có quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này sẽ làm thắt chặt dòng vốn đổ vào chứng khoán, có thể tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Huyền Anh:Như chúng ta đã biết, chứng khoán bao gồm rất nhiều các cấu phần như giấy tờ có giá, cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu,… Thông tư 36 chỉ quy định đối với việc cấp tín dụng để kinh doanh cổ phiếu, chứ không hoàn toàn siết chứng khoán vì chứng khoán có rất nhiều các cấu phần như đã kể trên, nên nói rằng sẽ hạn chế tín dụng đầu tư vào chứng khoán là không đúng. Quy định này không hề làm ảnh hưởng tới tình hình đầu tư chứng khoán hiện nay trên thị trường, không cản trở hoạt động đầu tư nhưng sẽ có tác động tích cực tới quá trình hậu tái cơ cấu sau này.
Thực tế theo số liệu của chúng tôi khi xây dựng Thông tư có đánh giá kỹ thực trạng cấp tín dụng trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng, cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam (TCTD) cấp tín dụng đối với đầu tư kinh doanh cổ phiếu chưa bao giờ vượt quá 4,5%. Do đó, việc quy định giới hạn 5% cho các TCTD cấp tín dụng riêng cho cổ phiếu là rộng hơn so với quy định hiện hành.
Ngoài ra, việc cho vay chứng khoán không chỉ có các ngân hàng mà còn có công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân khác. Như vậy quy định cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ mục đích nhằm hạn chế sự đầu tư vốn dàn trải ra bên ngoài vốn đang hết sức khó khăn với hệ số rủi ro cao. Tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Và đặc biệt, hạn chế việc sở hữu chéo không lành mạnh, sự thâu tóm, chi phối của một hoặc một số TCTD đối với TCTD khác thông qua các hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần và các hình thức khác.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về điều kiện quy định trong Thông tư nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng?
Ông Phạm Huyền Anh:Một điểm rất mới của Thông tư 36 là việc quy định người có liên quan của tổ chức và người có liên quan của cá nhân. Đây là cơ sở rất quan trọng để kiểm soát việc một ngân hàng cùng với thành viên Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên mà có sân sau của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần.
Theo đó, trong hoạt động cấp tín dụng ngân hàng và TCTD phải thường xuyên cập nhật danh sách cổ đông khi có sự thay đổi. Ngoài ra, phải công khai trước đại hội cổ đông, đại hội thành viên về các khoản cấp tín dụng cho các công ty, các doanh nghiệp và đặc biệt người có liên quan là công ty của HĐQT và HĐTV. Bởi vì, sở hữu chéo bản thân nó không xấu nhưng nếu sở hữu chéo của một cá nhân, một tổ chức và người có liên quan ở mức độ nhất định có thể dẫn đến sự chi phối hoạt động của một ngân hàng khác, thì từ đó có thể dẫn tới sự không minh bạch về chất lượng tín dụng, hoạt động tín dụng và dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Do đó việc quy định giới hạn cấp tín dụng giữa các công ty con của ngân hàng, giữa ngân hàng với các thành viên, công ty con, sân sau ở đây là một biện pháp hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm phía sau.
PV: Có ý kiến cho rằng, với Thông tư 36 ra đời, cơ quan quản lý Nhà nước mong muốn có thể làm minh bạch và giám sát chặt chẽ được dòng vốn ra thị trường. Ông có đồng tình với điều này?
Ông Phạm Huyền Anh:Tôi hoàn toàn đồng ý và nhất trí cao với ý kiến này và đó cũng là một trong những mục đích của Thông tư 36. Bởi vì hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng không chỉ thông qua việc góp vốn mua cổ phần mà còn qua hoạt động cấp tín dụng.
Trong thông tư, quy định rõ và cụ thể việc cấp tín dụng trong phạm vi giới hạn quy định của luật, trong đó quy định tổng mức đó bao gồm kể cả ngân hàng và những người có liên quan. Ngân hàng cấp tín dụng cho một khách hàng, nhưng phải quy định cả những người liên quan đến khách hàng đó để hạn chế sân sau, làm méo mó bản chất tín dụng, từ đó khiến chất lượng tín dụng suy giảm. Thông tư quy định cụ thể người liên quan của cá nhân là ai, tổ chức là ai. Và chính những người này ở một số thị trường có thể lợi dụng những người liên quan đó để tạo lập sân sau và dòng vốn không đi đúng vào nền kinh tế mà thông qua một số kênh này tập trung vào lĩnh vực, kênh mang tính chất lợi ích nhóm.
PV: Một điểm mới đáng chú ý khác của Thông tư cũngđược các nhà đầu tư quan tâm là hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoản được điều chỉnh từ 250% giảm xuống còn 150% (là mức thấp nhất theo thông lệ). Theo ông, quy định này có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường?
Ông Phạm Huyền Anh:Theo thông lệ quốc tế, có quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), và hiện nay Ngân hàng Nhà nước quy định hệ số CAR không giảm dưới 9%. Nghĩa là trong 100 đồng đầu tư cấp tín dụng ra cho khách hàng thì bản thân TCTD phải có ít nhất 9 đồng để cùng chia sẻ rủi ro và qua đó mới bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Với nguyên tắc này, mẫu số bao gồm tài sản có rủi ro gồm từng hoạt động đầu tư một theo giá trị gốc nhân với hệ số rủi ro. Như vậy, việc giảm hệ số rủi ro sẽ ảnh hưởng đến hệ số CAR của các ngân hàng. Trước đây, nếu quy định 250% để bảo đảm CAR bằng hoặc cao hơn mức quy định thì các ngân hàng hoặc phải giảm bớt cho vay các khoản vay chứng khoán, bất động sản hoặc phải tăng vốn chủ sở hữu.
Xét trên định hướng cơ chế chính sách và xu hướng của thị trường, khả năng phát triển trong thời gian tới thì thông qua hệ số rủi ro này, là một tiêu chí để nhà điều hành muốn định hướng các ngân hàng đi vào các ngành, lĩnh vực Nhà nước quan tâm và ưu tiên. Chính vì thế việc giảm hệ số từ 250% xuống 150% ở đây có tác dụng là chỉ số, tín hiệu để thúc đẩy thị trường phát triển, giúp cho ngân hàng mạnh dạn hơn cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán và bất động sản.
– Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()