Siết chặt việc đổi tiền mới mệnh giá nhỏ
Ðổi tiền lẻ, tiền mới luôn là chủ đề nóng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nhất là năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục có động thái siết chặt hơn khi không in tiền mới mệnh giá nhỏ.
Nở rộ dịch vụ đổi tiền trực tuyến
“Mừng tuổi người thân, đi lễ chùa,… dù ít dù nhiều nhưng tôi nghĩ các hoạt động đó trong những ngày Tết Nguyên đán vẫn diễn ra, vì là thói quen rồi. Do vậy, tôi vẫn phải chủ động đổi chút ít tiền mới để dự phòng cho những việc đó” – chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) chia sẻ. Có lẽ, đây là tâm lý chung của rất nhiều gia đình, chứ không phải riêng của chị Hương. Ðiều này cũng lý giải vì sao đã nhiều năm rồi, mặc dù các cơ quan quản lý ra sức tuyên truyền và siết chặt nhưng dịch vụ đổi tiền mới vẫn diễn ra. Bởi khi nhu cầu vẫn còn, thì nguồn cung cũng sẽ có. Ngày 27-1, cũng là ngày rằm cuối cùng của năm Canh Tý, chị Hương đi chùa Quán Sứ để lễ tạ và cầu an cho cả gia đình. Khi ghé vào cửa hàng nhỏ bên cạnh thuê viết sớ, chị “tranh thủ” hỏi mức phí chênh lệch đổi tiền mới mệnh giá nhỏ, thì được biết: Nếu đổi tiền lẻ mới mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, phí trả là 30% (tức là đổi một tệp 1.000 đồng tiền mới tương đương 100.000 đồng, khách chỉ được nhận 70.000 đồng); tiền mới mệnh giá 5.000 đồng, phí đổi là 20%. “Ðặc biệt năm nay tiền mới hoàn toàn với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng sẽ khó đổi hơn và phí sẽ thay đổi tùy thời điểm” – người bán hàng nói thêm với chị Hương.
Nếu khi đổi trực tiếp, những người như chị Hương nhận được “nhắn nhủ” của người bán hàng như vậy, thì khi lên mạng trực tuyến, muốn đổi mệnh giá nào, bao nhiêu cũng có. Chỉ cần vào mạng gõ hai từ “đổi tiền”, các địa chỉ chào mời sẽ tràn ngập trên Facebook, Zalo,… của người tìm. Ðơn cử khi trao đổi với một tài khoản Facebook đổi tiền mới, tiền lẻ, chủ tài khoản đó cho biết: Các mệnh giá đều là tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri. Người đổi chỉ cần thông báo số lượng, mệnh giá cần đổi thì bao nhiêu cũng có và có người mang đến tận nơi. Chưa kể còn có dịch vụ giao tiền tận nhà cho các khách hàng ở xa với hình thức thanh toán chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ cào,… Phí đổi cũng được cho là “mềm” hơn khi tiền mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng, khách đổi chỉ phải trả phí từ 13 đến 15%; phí đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 đến 8%; với loại 50.000 đồng, 100.000 đồng, phí đổi là 3 đến 5%.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, dịch vụ “rao bán” tiền mừng tuổi trên mạng, gần đây còn có thêm dịch vụ bán các loại tiền của nhiều nước trên thế giới. Như tờ tiền 2 USD được niêm yết với nhiều mức giá khác nhau, với seri đẹp giá bán có thể lên tới 800.000 đồng.
Xử lý nghiêm vi phạm
Trước thực tế hoạt động đổi tiền mới, tiền lẻ vẫn diễn ra sôi nổi mỗi dịp Tết, Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú nhìn nhận: Việc sử dụng tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, đi lễ đền chùa chỉ là thói quen. “NHNN sẽ tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ. Mặt khác, chúng tôi vẫn hạn chế in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ để tiết kiệm ngân sách, song vẫn bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng tiền mặt trong lưu thông” – Phó Thống đốc Ðào Minh Tú cho biết.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21-12-2020 về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật. Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ Nguyễn Anh Tuấn thừa lệnh Thống đốc NHNN cũng đã ban hành chỉ thị, nêu rõ: Từ năm 2021, Sở Giao dịch, NHNN chi nhánh tuyệt đối không thực hiện đổi tiền mới in (cả dịp Tết Nguyên đán và trong năm) cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. Ðồng thời, có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.
Mới đây nhất, NHNN đã có Văn bản số 684/NHNN-VP ngày 28-1-2021 về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, yêu cầu Cục Phát hành và Kho quỹ chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt công tác điều hòa, cung ứng tiền mặt, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; chỉ đạo thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại hối và dịch vụ đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 88/2019/NÐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền. Cụ thể, tại điểm a Khoản 5 Ðiều 30 Nghị định 88/2019/NÐ-CP quy định phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Ðây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trong khi mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b Khoản 3 Ðiều 3 Nghị định 88).
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, việc đổi tiền mới mệnh giá nhỏ trên mạng cũng mang lại rủi ro rất cao. Bởi thực tế đã có trường hợp khách hàng bị lừa bởi các chiêu trò như đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả. “Song phần lớn số tiền bị mất không lớn, chưa kể vì đã trót tiếp tay cho hành vi vi phạm nên nhiều người phải chấp nhận thiệt hại, không dám tố cáo” – một vị chuyên gia cho biết.
Nhờ chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết Nguyên đán, những năm qua ngân sách đã tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng. Tết Tân Sửu năm nay, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước. Ðây là năm thứ tám liên tiếp, NHNN chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.
ÐÀO MINH TÚ
Phó Thống đốc NHNN
Theo Nhandan
Ý kiến ()