Siết chặt quy định đối với ngành đào tạo y dược
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.
Thông tư áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, các tổ chức và cá nhân có liên quan; có hiệu lực thi hành từ ngày 23/10/2017.
Riêng đối với các ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe (y dược), Thông tư 22 nêu rõ, giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khoẻ theo quy định.
Mỗi môn học thuộc kiến thức cơ sở ngành hoặc chuyên ngành của chương trình đào tạo phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng, luận văn, luận án tốt nghiệp phù hợp với môn học chịu trách nhiệm giảng dạy.
Về điều kiện cơ sở thực hành, các ngành học đều ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh-Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh-Miễn dịch, Dược lý, Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sức khoẻ môi trường và Sức khỏe nghề nghiệp, Điều dưỡng cơ bản…
Ngoài ra, Thông tư còn quy định chi tiết về thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo; trình tự, thủ tục đăng ký mở ngành đào tạo; thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; xem xét và ra quyết định mở ngành đào tạo; đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo; thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học; trách nhiệm của cơ sở đào tạo, hội đồng thẩm định và đơn vị có người được mời tham gia hội đồng thẩm định; trách nhiệm của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy định chuyển tiếp…
Ý kiến ()