Siết chặt quản lý xe “dù” núp bóng xe hợp đồng
Được hoán cải từ xe 16 chỗ thành chín chỗ ngồi rộng rãi với trang thiết bị tiện nghi, xe hợp đồng limousine được khá nhiều hành khách ưa chuộng, gia tăng nhanh chóng về số lượng trong thời gian gần đây. Song, đây lại là hình thức biến tướng của xe “dù”, núp dưới danh nghĩa xe hợp đồng để vận tải hành khách liên tỉnh chạy tuyến cố định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), gây bức xúc trong giới kinh doanh vận tải.
Hoạt động công khai
Có mặt tại văn phòng của nhà xe Vân Anh chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa ở số 18 phố Nguyễn Lân (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy các hoạt động ở đây không khác gì một bến xe thu nhỏ như xác nhận đặt chỗ, thu tiền, bán vé, xếp khách, xếp hàng,… diễn ra công khai, theo một quy trình khép kín. Tương tự, tại văn phòng của nhà xe Ðại Nam tại ngõ 153 Trường Chinh (Hà Nội) ngoài việc bán vé, xếp khách ngay tại văn phòng, các xe limousine còn “trưng dụng” quá nửa lòng đường và toàn bộ phần vỉa hè làm nơi tập kết phương tiện, bốc dỡ hàng hóa, đón, trả khách gây cản trở giao thông. Vài năm trở lại đây, khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, việc lựa chọn xe ô-tô khách để đi cũng được chú trọng hơn. Thay vì phải ra các bến xe đông đúc, chen nhau lên xe khách hay phải chờ đợi xe xuất bến thì với dịch vụ xe limousine, hành khách chỉ cần ngồi tại nhà, gọi điện đặt chỗ hoặc yêu cầu trực tiếp, sẽ được nhà xe đón tại bất cứ địa điểm nào trong thành phố. Với cung cách phục vụ như vậy, dù giá vé cao hơn xe khách bình thường gấp hai lần, nhưng vẫn có nhiều hành khách lựa chọn do được hưởng dịch vụ tốt, tiện lợi mà nó đem lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhà xe nổi tiếng trong nhóm xe hợp đồng “lách luật” chở khách liên tỉnh có thể kể đến như Vân Anh, Ðại Nam, Hà Lan, Hưng Thành, Sao Việt,… Phần lớn xe limousine của các doanh nghiệp (DN) vận tải này đều chạy tuyến cố định những tỉnh có khoảng cách khoảng 200 km trở lại như Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Ninh,… trong khi thực chất chỉ đăng ký xe hợp đồng và có phù hiệu do Sở Giao thông vận tải (GTVT) địa phương cấp. Phương thức hoạt động phổ biến của các xe này là khách đặt chỗ qua điện thoại, nhà xe sẽ “vợt” khách tại các địa chỉ đã hẹn trước trong thành phố hoặc khách tự đến văn phòng đại diện. Khi lên xe, hành khách điền họ tên, địa chỉ vào một bản hợp đồng vận chuyển do nhà xe chuẩn bị sẵn để “qua mặt” cơ quan chức năng, nhưng thực chất vẫn mua vé như bình thường. Khi bị kiểm tra, lái xe chỉ cần xuất trình bản hợp đồng khống này. Vì vậy, cơ quan chức năng rất khó nhận dạng phương tiện để kiểm tra, xử lý. Ðây chính là kẽ hở cho “xe dù, bến cóc” lộng hành.
Cần có giải pháp quản lý
Chỉ trong khoảng hai năm trở lại đây, số lượng xe khách trá hình với tên gọi xe limousine đã tăng gấp hàng chục lần và vẫn tiếp tục phát triển rầm rộ hơn. Nếu chỉ nhìn qua, tưởng chừng mảng kinh doanh vận tải hành khách đang nâng cao về chất lượng, cải thiện và đa dạng về hình thức. Thế nhưng, thực chất đó là sự “dịch chuyển” hành khách từ các xe khách tuyến cố định hoạt động tại bến sang hình thức xe “dù” núp bóng xe hợp đồng. Ðiều này đã khiến hàng loạt DN vận tải tuyến cố định phải giải thể, cắt bớt luồng tuyến do vắng khách. Dịch vụ vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có nhiều điều kiện, cho nên so với xe khách chạy tuyến cố định trong bến, các nhà xe limousine “lách luật”, né được nhiều khoản thuế và phí bến bãi, lộ trình đường tuyến, VAT 10% giá vé,… đem lại lợi nhuận lớn. Nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng có giải pháp quản lý hữu hiệu loại hình xe hợp đồng trá hình này, sẽ khiến lượng khách vào bến xe giảm rõ rệt, nguy cơ phá vỡ quy hoạch vận tải hành khách tuyến cố định. Bên cạnh đó, việc nở rộ xe trá hình còn có thể dẫn đến “phong trào” các DN vận tải tuyến cố định bỏ bến chuyển sang chạy hợp đồng hoặc chạy “dù”, lập bến “cóc” khiến cho bức tranh vận tải hành khách nói chung và giao thông nội đô nói riêng ngày càng phức tạp.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định: Những năm gần đây, lượng xe hợp đồng trá hình, chủ yếu là xe 16 chỗ “lách luật” hoán cải thành xe dưới chín chỗ ngồi tăng chóng mặt. Xe nhỏ có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách trong nội đô để đón khách liên tỉnh thay vì chạy tuyến như tuyến cố định, gây áp lực nặng nề lên các tuyến phố và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Dịch vụ này có thuận tiện cho hành khách, nhưng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, tác động xấu đến thị trường vận tải tuyến cố định; gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng do không chạy theo luồng tuyến, không đón trả khách tại bến cố định. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các hãng xe vi phạm. Theo đó, mức xử phạt phải đủ sức răn đe, ngăn ngừa tình trạng tái diễn, cũng như ngăn chặn sự manh nha làm theo của các hãng khác. Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, không tiếp tay cho hành vi sai trái của các hãng xe, tạo cơ hội cho “xe dù, bến cóc” phát triển.
Nhu cầu đi xe khách chất lượng cao, an toàn, tiết kiệm của người dân cần phải được đáp ứng và phát triển, nhưng vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải chấp hành nghiêm các điều kiện kinh doanh vận tải. Các DN vận tải xe “dù” không thể lấy lý do phục vụ người dân để vi phạm pháp luật, trốn thuế, gây mất trật tự ATGT. Theo Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NÐ-CP về quản lý vận tải để quản lý chặt chẽ hơn loại hình vận tải này. Ðây được xem là cơ sở để xử lý xe “dù” trá hình xe hợp đồng khi bổ sung nhiều điều kiện mới, đưa loại hình kinh doanh xe hợp đồng vào khuôn khổ. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại một địa điểm cố định; mỗi xe trong tháng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều người thuê vận tải khác nhau,…
Theo Nhandan
Ý kiến ()