Siết chặt quản lý Uber, Grab
Cùng với việc được nhiều hành khách đánh giá cao bởi ưu điểm tiện lợi, giá rẻ, rút ngắn thời gian chờ xe, thì loại hình "taxi công nghệ" Grab và Uber cũng bộc lộ những bất cập về tính pháp lý, phá vỡ quy hoạch taxi... Một số địa phương đã kiến nghị dừng thí điểm vì không kiểm soát nổi.
Không thể kiểm soát
Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được triển khai tại 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa kể từ tháng 1-2016. Qua thời gian thí điểm, Bộ GT-VT đã nắm được số lượng đơn vị vận tải, phương tiện; các điều kiện đối với phương tiện được bảo đảm; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng. Các đơn vị tham gia thí điểm có hiệu quả kinh doanh cao nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, thể hiện rõ nhất là rút ngắn thời gian khách chờ xe xuống dưới 5 phút và tỷ lệ kilômét xe chạy có khách tăng cao, đạt gần 90%…
Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) thừa nhận, bên cạnh những mặt tích cực thì loại hình này cũng bộc lộ những hạn chế như: Một số đơn vị vận tải không chấp hành đúng quy định hiện hành; số lượng phương tiện tăng nhanh; phương tiện là xe dưới 9 chỗ, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, không chịu tác động của hệ thống biển báo hạn chế hoạt động như taxi nên đã làm giảm hiệu quả công tác tổ chức giao thông trong đô thị…
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội lại có góc nhìn khác xung quanh sự phát triển của loại hình “taxi công nghệ” mới này. Theo ông Quang, Hà Nội vẫn đang quản lý tốt lượng xe taxi truyền thống, nhưng không kiểm soát nổi xe hợp đồng bằng điện tử đối với xe dưới 9 chỗ (Uber, Grab) chạy theo dạng taxi, nên số lượng này ngày càng tăng. Grab, Uber đăng ký với hình thức là công ty ứng dụng công nghệ, nhưng hoạt động giống như một doanh nghiệp taxi.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc nhận dạng, quản lý đối với loại hình này gây nên sự thiếu công bằng với các doanh nghiệp taxi truyền thống và khó khăn trong quản lý, xử phạt các xe trên. Do đó, Sở GT-VT Hà Nội đề nghị dừng mở rộng thí điểm, không bổ sung đơn vị và phương tiện tham gia thí điểm trên địa bàn Thủ đô.
“Từ cuối năm 2015, toàn thành phố chỉ có khoảng 300 xe dưới 9 chỗ hợp đồng đi đường dài, nhưng đến tháng 2-2016 khi bắt đầu thí điểm Grab, số lượng xe tăng lên 2.437 xe. Đến đầu tháng 4-2017 đã có hơn 22.000 xe. Phải tạm dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng cho xe ô tô dưới 9 chỗ cho đến khi ban hành quy hoạch số lượng phương tiện để làm căn cứ thực hiện…” – ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh) kiến nghị.
Phải dán lô gô và giám sát hành trình
Cùng với kiến nghị sớm dừng thí điểm và tạm dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng cho xe dưới 9 chỗ, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cũng đề nghị toàn bộ phương tiện tham gia thí điểm phải dán lô gô, biển hiệu taxi như taxi truyền thống để dễ nhận biết, quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, việc sử dụng phần mềm phải kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm.
Điều 18 dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ GT-VT quy định, xe taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử như Uber, Grab phải có hộp đèn với chữ ”TAXI E” (E là Electronic) gắn cố định trên nóc xe. |
Tại hội nghị sơ kết hơn 1 năm thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ GT-VT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, loại hình vận tải ứng dụng phần mềm kết nối ngày càng phát triển. Do đó, các hãng taxi truyền thống cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành.
Với các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần xác định số lượng xe hợp đồng để đáp ứng quy luật cung – cầu, phù hợp với quá trình phát triển của đô thị, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Việc cấp phép cho các đơn vị tham gia thí điểm, Bộ GT-VT sẽ ủy quyền cho địa phương và tất cả phương tiện tham gia thí điểm phải đăng ký với địa phương để quản lý. Đặc biệt, phương tiện tham gia thí điểm phải dán lô gô để nhận diện và phải được kiểm soát thông qua thiết bị giám sát hành trình. Một thành phố chỉ thống nhất một loại lô gô, biển hiệu theo mẫu quy định và phải được dán tem xe hợp đồng chống giả trước kính xe.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết, tạm thời Bộ sẽ không cấp phép thêm ứng dụng mới. Những địa phương tham gia thí điểm lập quy hoạch, đánh giá toàn diện xe hợp đồng trên địa bàn, báo cáo Bộ GT-VT trước khi cấp phép tiếp. Cuối năm nay sẽ tổng kết thí điểm, báo cáo Chính phủ đưa ra lộ trình mới cho hoạt động xe hợp đồng.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()