Siết chặt quản lý tua du lịch 0 đồng
Tua 0 đồng thực chất là cách gọi của những hãng lữ hành đối với những lịch trình tua được giảm giá ở mức thấp và rất thấp để thu hút khách hàng, và bù lại doanh nghiệp sẽ khuyến khích du khách sử dụng nhiều dịch vụ khác để thu lợi nhuận. Như vậy, bản thân tua 0 đồng không xấu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng chấp nhận hình thức kinh doanh du lịch này để tăng trưởng du lịch.
Tuy nhiên, ở nước ta, do chưa có cách thức quản lý triệt để, những tua 0 đồng theo kiểu khép kín với sự thao túng của các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài và sự câu kết của một số đơn vị kinh doanh du lịch trong nước đã trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp không khói. Không chỉ khiến du khách chịu tổn hại khi phải mua các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng tại điểm đến với giá “trên trời” hầu hết nguồn thu chảy vào túi doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ buôn bán quà lưu niệm bị bên nước ngoài chi phối. Hình thức kinh doanh này còn làm phát sinh nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, quá tải sức chứa, mất trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín thương hiệu du lịch quốc gia. Ở góc độ khác, hình thức kinh doanh này còn gây thất thu thuế cho Nhà nước, khi lượng khách lớn nhưng lợi nhuận thu về thấp.
Còn nhớ, thời điểm từ giữa năm 2016 đến đầu năm 2017, khi bùng nổ mô hình tua 0 đồng, ngành du lịch Quảng Ninh đã kiên quyết áp dụng một loạt những biện pháp như: Ðóng cửa, thậm chí tước giấy phép kinh doanh của nhiều cửa hàng bắt tay với các công ty lữ hành Trung Quốc bán hàng gian lận, xử lý nghiêm hàng trăm hướng dẫn viên hoạt động trái phép và những công ty trong nước tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc thao túng thị trường du lịch… Ngay sau đó, môi trường kinh doanh du lịch ở Quảng Ninh đã được cải thiện.
Sự xuất hiện trở lại của những tua 0 đồng gần đây cho thấy rõ ràng, những giải pháp được đặt ra vẫn chưa mang tính bền vững, hoặc chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để. Thế nên, các cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc với giá cao chóng mặt đã bị đóng cửa trước đây lại mọc ra dưới cái tên khác; một số công ty trong tỉnh khi bị áp giá sàn theo đầu khách để tính thuế thì chuyển sang địa bàn lân cận để né luật; những hướng dẫn viên người Trung Quốc lại xuất hiện, những công ty lữ hành Việt Nam vì lợi nhuận trước mắt đã sẵn sàng bán rẻ hình ảnh điểm đến, và tua 0 đồng lại lên ngôi. Rõ ràng, nếu không có ngay những biện pháp mang tính đồng bộ, triệt để mà chỉ dừng lại ở mức “dẹp loạn” trước mắt thì nguy cơ dẹp xong lại tiếp tục “loạn” là rất lớn.
Mới đây, Tổng cục Du lịch vừa có công văn gửi Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường quản lý hoạt động lữ hành đón khách qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Trước tình trạng xuất hiện trở lại tua 0 đồng, Tổng cục Du lịch yêu cầu Sở Du lịch Quảng Ninh phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như: Ðịnh hướng các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tránh tình trạng quá tải tại một số điểm đến, gây khó khăn trong quản lý và cung ứng dịch vụ; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là đối với khách du lịch Trung Quốc; tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là lực lượng hướng dẫn viên trên địa bàn, đáp ứng được khách du lịch tăng nhanh trong thời gian tới; tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn;… Ðối với doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, đề nghị báo cáo Tổng cục Du lịch xử lý theo thẩm quyền.
Thiết nghĩ, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, vì thế để đẩy lùi tình trạng lộn xộn trong hoạt động của tua 0 đồng không phải là trách nhiệm của riêng ngành du lịch, mà còn cần sự quyết tâm, bắt tay chặt chẽ của nhiều đơn vị liên quan như: Chính quyền các cấp, công an, quản lý thị trường, thuế… Có thế mới mong chấm dứt tận gốc những hệ lụy từ việc kinh doanh những tua du lịch siêu rẻ này.
Ý kiến ()