Siết chặt quản lý thị trường thực phẩm chức năng
Sau khi trải qua giai đoạn dịch Covid-19 nhiều khó khăn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao; trong đó, thực phẩm chức năng (TPCN) được nhiều người tiêu dùng quan tâm, mua sử dụng.
Đội quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng giả trên không gian mạng tại Tòa nhà Time Coffee, huyện Hoài Đức. (Ảnh QUYÊN LƯU) |
Tuy nhiên, hiện do công tác quản lý thị trường TPCN còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng các loại TPCN không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thiếu kiểm soát, bán tràn lan… gây mất lòng tin, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, lo lắng về tình trạng tóc bị rụng nhiều, thông qua giới thiệu của bạn bè, chị Thanh Trà ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) lên mạng đặt mua một loại TPCN được giới thiệu là hàng xách tay có chứa collagen và biotin có chức năng hỗ trợ mọc tóc, đẹp da với giá 790.000 đồng/hộp và phải uống hai đến ba hộp như vậy thì sẽ có tác dụng. Thế nhưng, sau khi uống thì chị cảm thấy tóc rụng nhiều hơn và thường xuyên bị mất ngủ.
Chị Trà bức xúc: “Sau khi uống tôi thấy tóc rụng nhiều hơn và có lúc bị chóng mặt, mất ngủ. Khi gọi điện thoại tới hỏi người bán thì họ bảo, phản ứng như vậy là bình thường và khuyên tiếp tục sử dụng, nếu mất ngủ thì chuyển sang uống buổi sáng. Uống thêm một hộp nữa, nhưng tình trạng như vậy vẫn kéo dài, tôi tiếp tục gọi hỏi thì lần này người bán hàng lại nói nguyên nhân do uống không đúng liều và do cơ địa không phù hợp”.
Còn chị Minh Nguyễn, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, chị đã có thời gian sử dụng tảo xoắn Spirulina từ Nhật Bản do được bạn bè công tác tại Nhật Bản tặng. Sau khi sử dụng thì thấy kết quả rất tốt, cho nên chị đặt mua trên mạng tại Việt Nam, qua một trang web cũng bán nhiều loại TPCN xách tay từ nước ngoài. Nghe bạn bè cảnh báo rằng tảo Spirulina bị làm giả rất nhiều, chị Minh Nguyễn quyết định liên hệ với nhà phân phối chính thức của sản phẩm này tại Việt Nam, thì phát hiện ra rằng sản phẩm mình mua không phải là hàng thật.
Cũng theo chị Minh Nguyễn, sản phẩm TPCN giả thoạt nhìn khó có thể phân biệt so với hàng thật. Hơn nữa trang web bán hàng chị mua loại tảo Spirulina này cũng là một trang web bán nhiều TPCN uy tín với giá rẻ do được quảng cáo là hàng xách tay đem về. Có lẽ vì thế mà chị đã khó phát hiện ra sản phẩm giả cho đến khi được kiểm tra qua công ty phân phối.
Không chỉ riêng trường hợp chị Thanh Trà và chị Minh Nguyễn, thực tế hiện có rất nhiều người vì tin và mua những sản phẩm TPCN kém chất lượng bị trà trộn, quảng cáo qua mạng dưới mác “xách tay” đã phải “tiền mất tật mang”. Bởi lẽ, chưa bao giờ TPCN lại đa dạng và dễ dàng mua bán, sử dụng như hiện nay.
Chỉ cần lướt qua trên trang mạng xã hội, không khó để tìm kiếm những món TPCN thông dụng trên Facebook với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo từng trang phân phối. Tất cả đều được quảng cáo là hàng chính hãng xách tay, do người thân, bạn bè, tiếp viên hàng không mua về. Muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều, giá càng rẻ. Đơn cử như Vitamin E, viên bổ não, dầu cá, thuốc sụn khớp, vi cá mập…, những loại TPCN có xuất xứ nhập ngoại là loại sản phẩm mà rất nhiều người dân tìm mua sử dụng.
Cũng chính vì nhu cầu cao như vậy, nên những kênh online bán các sản phẩm này đua nhau mọc ra, nhưng không phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Người bán ngang nhiên bán, người mua vô tư mua, giá bán thì không biết đằng nào mà lần.
Trong vai khách mua hàng, phóng viên thử đặt một hộp Vitamin E của Kirkland tại một tài khoản Facebook được chào bán giá 450.000 đồng/hộp. Nếu mua 10 hộp sẽ còn giá 420.000 đồng hộp và mua số lượng bao nhiêu cũng có. Khi được hỏi về giấy tờ, người bán cho biết vì hàng xách tay nên sẽ không có giấy tờ lưu hành, không có vỏ sản phẩm; không cung cấp cụ thể nguồn gốc, không tem chống hàng giả, tem phụ khi mua những lọ TPCN dưới mác là hàng xách tay. Để phân biệt đâu là giả, đâu là thật, rõ ràng là điều không thể, mà chỉ dựa vào… niềm tin.
Ngày 31/5/2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Tại đây, hàng chục nghìn lọ TPCN giả mới “ra lò” đã bị lực lượng chức năng phát hiện.
Theo thông tin từ Cục QLTT Hà Nội cho biết, trên diện tích khoảng 50m 2, ẩm thấp, chật chội, bốn công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được dựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác với số lượng viên được định lượng trước…
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12.000 lọ/hộp TPCN đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại căn nhà chật hẹp này, tuy nhiên phía bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trước đó ngày 23/2, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hóa tại Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần một tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và TPCN tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng. Tất cả các viên thuốc được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan đến kinh doanh các loại hàng hóa trên.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng lộn xộn, bát nháo trong thị trường TPCN, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, chủ yếu do hiện nay việc quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa bắt kịp thực tế. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kém chất lượng.
Bên cạnh đó, tuy đã có một số văn bản về quản lý, quảng cáo TPCN, song việc áp dụng và thi hành trên thực tế vẫn chưa thật sự quyết liệt và hiệu quả. Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng TPCN đang khá phổ biến. Các loại TPCN được quảng cáo bị “thổi phồng” so với công dụng, hiệu quả thực tế của sản phẩm. Thí dụ như một số loại TPCN được quảng cáo có tác dụng với một số bệnh, thậm chí là với bệnh nan y.
Về nguyên tắc TPCN chỉ đơn giản là hỗ trợ điều trị và bổ sung vi chất, bổ trợ sức khỏe, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Cách quảng cáo mập mờ này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, và mất tiền oan. Thêm vào đó, tình trạng kinh doanh TPCN “xách tay” chưa được kiểm soát đang là kẽ hở cho những đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Trước thực trạng này, để góp phần làm lành mạnh thị trường, ngăn chặn sản xuất và kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm bổ sung và TPCN, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng liên tục đưa ra cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời; tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm; đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()