Siết chặt quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán
Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm tra xuất xứ hàng hoá tại kho hàng của một đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
– Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Vì vậy, để thị trường hàng hóa ổn định, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 siêu thị gồm: Thành Đô, Đồng Tiến, WinMart, Lasvilla Mart và 3 trung tâm thương mại: Đồng Đăng, Phú Lộc Plaza, Vincom. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 3.750 cửa hàng tiện lợi, tự chọn và chuỗi 14 cửa hàng bán lẻ tổng hợp Winmart thuộc tập đoàn Masan, có 82 chợ huyện, xã… đáp ứng nhu cầu cung cấp hàng hoá cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm âm lịch. Tuy nhiên, cuối năm cũng là dịp các đối tượng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao để trà trộn, lén lút đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng…
Ông Vũ Hồng Trung, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Nhằm siết chặt quản lý thị trường, giá cả các loạt mặt hàng dịp Tết Nguyên đán 2024, ngay từ đầu tháng 11/2023, chúng tôi đã chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các kho hàng, bến bãi tập kết, trung tâm thương mại, siêu thị, các đối tượng thực hiện kinh doanh qua hoạt động thương mại điện tử, các ứng dụng công nghệ số như zalo, facebook… Nhóm mặt hàng thiết yếu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp tết như: bánh kẹo, mứt, đường cát, rượu, bia, quần áo, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng gia dụng…
Theo đó, chỉ tính từ tháng 11/2023 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã ra quân kiểm 118 vụ, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 97 vụ, thu nộp ngân sách gần 320 triệu đồng. Với những vi phạm chủ yếu gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; sử dụng người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; khu vực chứa đựng không đầy đủ giá, kệ; không thực hiện về theo dõi nhiệt độ, độ ẩm đối với sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt tại khu vực chứa đựng…
Đơn cử, ngày 22/11/2023, Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn) tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Đ.V.P tại đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 2 loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam, gồm 30 chiếc áo nam dài tay người lớn, 4 bộ quần áo nỉ dài tay nam người lớn, tổng trị giá hàng hóa 7.190.000 đồng. Sau khi kiểm tra, Đội QLTT số 1 đã lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ hàng hoá có dấu hiệu vi phạm giả mạo nhãn hiệu trên để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh về cao điểm kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chúng tôi đã chủ động triển khai từ giữa tháng 11/2023 với các nội dung: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hoá không nguồn gốc, kém chất lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hàng hóa góp phần ổn định thị trường trong giai đoạn này. Trong gần 2 tháng triển khai thực hiện cao điểm, đội đã tiến hành kiểm tra 48 vụ, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 41 vụ với số tiền giá trị hàng hoá 107 triệu đồng.
Ông Nông Hồng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến cho biết: Hiện nay, siêu thị đang bày bán hơn 10 nghìn sản phẩm với đa dạng các ngành hàng như: thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, đồ gia dụng… Với mục tiêu cung cấp hàng hoá chất lượng, đảm bảo đúng nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá đúng theo quy định phục vụ người tiêu dùng, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các nhãn hàng, nhà phân phối, cơ quan quản lý, kiểm soát thị trường, thực hiện đầy đủ các quy định về nguồn gốc, chất lượng hàng hoá trước khi bán ra thị trường, đáp ứng như cầu tham quan, mua sắm của nhân dân.
Có thể thấy rằng, để thị trường hàng hoá cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới có giá cả ổn định, chất lượng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thì cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn những mặt hàng có thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước… đồng thời tích cực phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, tố giác những vi phạm về chất lượng hàng hóa…
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()