Siết chặt quản lý rượu không rõ nguồn gốc
Rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ngoài việc ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng còn tác động tiêu cực tới môi trường kinh doanh và gây thất thu ngân sách. Tại cuộc tọa đàm về dự án “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 9, nhiều ý kiến cho rằng, cần siết chặt quản lý sản phẩm này nhằm mục tiêu trước tiên là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tại cuộc tọa đàm, thông tin ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương đưa ra khiến nhiều người giật mình. Theo đó, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% là rượu tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách. Ước tính, Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm từ rượu không nhãn mác.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tình hình buôn lậu, buôn bán rượu, bia không có nguồn gốc diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Đặc biệt là tình trạng rượu nhập lậu không hóa đơn chứng từ. Rượu nhập lậu được đưa vào thị trường Việt Nam chủ yếu qua các tuyến biên giới Tây Nam và miền Trung. Ngoài ra vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ rượu tăng cao, số lượng rượu giả, rượu lậu theo con đường “xách tay” vào thị trường tăng lên đáng kể.
Kết quả riêng năm 2017, Cục Quản lý thị trường (từ ngày 10-8-2018 là Tổng cục Quản lý thị trường) đã thu giữ hơn 30.000 chai rượu các loại; 6 tháng đầu năm 2018 đã xử lý được 165 vụ, thu giữ 16.200 chai rượu các loại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hiện vấn đề kiểm soát, công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng rượu thủ công còn nhiều khó khăn do việc sản xuất rượu thủ công đơn giản, được thực hiện chủ yếu ở các hộ gia đình nông thôn. Hơn nữa việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện dễ dàng. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngộ độc rượu thời gian qua.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng nhấn mạnh, nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc là do người tiêu dùng sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm.
“Các cơ quan quản lý cần kiểm soát tốt hoạt động nấu rượu thủ công bởi đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân trong thời gian gần đây” – PGS.TS Nguyễn Văn Việt nói.
Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng, để kiểm soát chất lượng rượu thủ công tại Việt Nam thì cần ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng rượu; ban hành hướng dẫn chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật để cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu thủ công dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá về mức độ ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu, thời gian và nhiệt độ, độ lên men, chưng cất…
Cùng với đó, các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng. Đồng thời nâng cao công tác truyền thông, cung cấp các thông tin về kiến thức uống, mức độ, liều lượng sử dụng phù hợp cũng như tác hại của việc lạm dụng rượu để truyền tải hiệu quả thông điệp về sử dụng rượu an toàn tới đông đảo người dân…
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()