Siết chặt quản lý nguyên liệu thực phẩm
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc những tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ nhưng số vụ ngộ độc lớn với nhiều người mắc lại tăng. Trước tình hình số vụ ngộ độc thực phẩm với số ca mắc tập thể nhiều người xảy ra ở một số địa phương, ngày 21-5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Báo cáo tại hội nghị, TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.138 người mắc.
Ông Nguyễn Hùng Long thông tin, trong 36 vụ ngộ độc thực phẩm, có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật; 2 vụ do hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định được nguyên nhân. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc những tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ nhưng số vụ ngộ độc lớn với nhiều người mắc lại tăng.
Điển hình như: Vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh (Khánh Hòa) làm 369 người bị nhiễm độc phải nhập viện; vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Cô Băng (ở tỉnh Đồng Nai) với 547 người mắc và nhập viện; vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tại Vĩnh Phúc với 438 người mắc và nhập viện...
Theo ông Nguyễn Hùng Long, ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý ATTP tiên tiến. Nguyên nhân dẫn đến việc ngộ độc thực phẩm thời gian qua là do thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện ATTP. Mặt khác, vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức của một số người dân về bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt. Việc phối hợp liên ngành trong công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm ở một số địa phương chưa được thực hiện tốt. Một số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP kinh doanh nông sản nhưng nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi. Nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, nhất là đối với hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào.
“Ví như vụ ngộ độc hơn 400 người tại Vĩnh Phúc cho thấy, nhiều thực phẩm được bếp ăn tập thể mua ở đơn vị cung cấp, nhưng khi truy xuất, đơn vị cung cấp này lại mua ở chợ, không có giấy phép, không kiểm soát được chất lượng”, ông Nguyễn Hùng Long cho biết.
Chia sẻ quan điểm tại hội nghị, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, về cơ bản, thể chế và các quy định của pháp luật về công tác quản lý ATTP khá đầy đủ nhưng việc thực hiện chưa tốt. Kiểm tra sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, dù có quy định về việc lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước và kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm nhưng nhiều nơi không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, ATTP không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là vấn đề an sinh, chất lượng nhân lực lao động sản xuất. Lúc này cần tập trung các giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề mất ATTP, không được để “mất bò mới lo làm chuồng”, xảy ra rồi mới tập trung điều trị, cứu chữa, tìm nguyên nhân... đó chỉ là giải quyết “phần ngọn”.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, vấn đề bảo đảm ATTP liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và của toàn dân. Hiện nay, các quy định của pháp luật đã đầy đủ nên cần tập trung vào khâu tổ chức thực hiện và có những giải pháp tốt hơn. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động thanh tra và kiểm tra đối với bếp ăn tại các trường học, khu công nghiệp, nhất là việc tập trung kiểm tra nguồn gốc của thực phẩm được sử dụng trong quá trình chế biến, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP như: Điều kiện vật chất của cơ sở, quy trình chế biến thực phẩm...
Ý kiến ()