Siết chặt quản lý mô tô, xe cơ giới ba bánh, xe tự chế
LSO-Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh không có xe công nông, xe cơ giới 2 bánh kéo theo thùng hàng để chở người, hàng hóa tham gia giao thông (trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện đi lại cho người khuyết tật) trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Xe máy kéo tự chế do người dân các xã giáp biên mua về sử dụng bị thu giữ tại Công an huyện Tràng Định |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số huyện biên giới xuất hiện một số loại phương tiện tự chế không nằm trong doanh mục phương tiện giao thông hiện nay. Phổ biến là loại phương tiện tương tự xe máy kéo được người dân mua từ Trung Quốc sử dụng chở vật liệu, hàng hóa, nông sản… Phương tiện này có kết cấu tương tự xe máy kéo loại nhỏ, đầu máy liên kết với thùng chở hàng qua khớp nối, tay lái kiểu vô lăng, có thể tháo rời thùng hàng với phần đầu kéo nhưng không tự di chuyển được. Phương tiện này hầu như không có các thiết bị an toàn như: hệ thống chuyển hướng, đèn chiếu sáng, giảm tốc… theo tiêu chuẩn hiện hành.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tình trạng người điều khiển xe mô tô ba bánh gắn mác “thương binh” vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chở hàng cồng kềnh còn diễn ra phổ biến ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội. Dễ gặp nhất là vào các buổi chợ phiên, từ các xã ngoại thành, những chiếc xe gắn mác “thương binh” chở hàng hóa và người dân ra họp chợ. Khu vực chợ Bờ Sông, chợ đêm Kỳ Lừa, chợ Giếng Vuông là địa điểm dừng đỗ của phương tiện này trong các ngày chợ. Cước vận chuyển thấp, xe vừa chở người lại có thể chở luôn hàng hóa nên bà con đi chợ rất ưa chuộng. Anh Đoàn Mạnh Thắng, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nói là xe thương binh nhưng đi rất nhanh và thường lạng lách, trong khi trên xe còn chở đầy hàng hóa nên phương tiện này ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn của người đi đường.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Sở đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát, nắm tình hình phương tiện thô sơ, mô tô, xe cơ giới ba bánh, xe máy kéo chở hàng cồng kềnh trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện, những phương tiện này đang được bà con các xã dọc khu vực biên giới mua về sử dụng, chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh và đưa ra hướng giải quyết, xử lý đối với người điều khiển phương tiện này. Vừa qua, Sở GTVT tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ năng lái xe cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp họ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tổ chức các lớp học, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp về luật giao thông đường bộ; đào tạo cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật làm phương tiện đi lại. Cùng đó, Công an tỉnh xây dựng phương án đăng ký tạm thời với một số loại phương tiện theo hướng dẫn; phân cấp trong quản lý hoạt động đối với xe máy kéo chở hàng hóa, nông sản cồng kềnh.
Năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt 823 trường hợp điều khiển xe thô sơ, xe ba bánh vi phạm quy định về an toàn giao thông. Tuy nhiên, để lập lại trật tự cần sớm có biện pháp đưa các loại phương tiện này vào quản lý, khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông, đồng thời triển khai sát hạch cấp chứng chỉ đối với những trường hợp đủ điều kiện.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()