Siết chặt quản lý kinh doanh trên sàn thương mại điện tử
Tác động của dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng xã hội, TMĐT đã trở thành mối lo lớn, ảnh hưởng tới doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như người tiêu dùng.
Nhiều vụ việc vi phạm
Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thương mại điện tử đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Một phương thức kinh doanh mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại, giúp người tiêu dùng thuận lợi trong mua sắm và tiết kiệm thời gian. Việc các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đúng chuẩn thời công nghệ, nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái và thực tế cho thấy tình trạng này đang diễn biến một cách vô tội vạ.
Điển hình là tại Vĩnh Long, ngày 5-5-2022, lực lượng QLTT tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành kiểm tra đột xuất điểm bán hàng qua mạng xã hội Facebook của bà Nguyễn Lâm Thị Ngọc Hiền tại số 168A, khóm Tân Vĩnh, phường Trường An, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Kết quả kiểm tra phát hiện 2.070 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, test nhanh Covid-19 các loại, như: Kem dưỡng ẩm trắng da; nước tẩy trang; serum tẩy trắng da; dầu gội, dầu xả; bộ kit test nhanh Covid-19… có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, một số sản phẩm không thể hiện rõ nguồn gốc, xuất xứ; riêng chủ cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ) kiểm tra một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. |
Tại An Giang, ngày 12-7-2022, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Long Xuyên (An Giang) đã kiểm tra 2 chành xe Sài Gòn (Chi nhánh Công ty Cổ phần vận tải Sài Gòn tại An Giang) và chành xe Tô Châu thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên phát hiện, lập biên bản và tạm giữ hơn 41.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nước hoa… không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đại diện cơ sở cho biết, phần lớn hàng hóa được các cơ sở kinh doanh khắp các tỉnh, thành phố gửi về để giao cho khách hàng. Báo cáo từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho thấy, chỉ trong tháng 9-2022, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 13 vụ, phát hiện 11 vụ vi phạm hàng giả hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra 18 vụ, phát hiện 16 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc. Tổng số tiền xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trên là 161 triệu đồng.
Tương tự, theo thống kê của Cục QLTT TP Cần Thơ, 9 tháng năm 2022, đã kiểm tra 7 vụ, xử lý 8 vụ (1 vụ từ năm 2021 chuyển qua) vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, phạt tiền 123 triệu đồng. Các vụ việc vi phạm chủ yếu là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; không công bố website thương mại điện tử bán hàng về thông tin giá cả; cung cấp thông tin kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.
Thủ đoạn tinh vi, khó quản lý
Theo lực lượng QLTT các địa phương, thủ đoạn thường thấy của các đối tượng vi phạm là lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng bán. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các comment, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng…
Ngoài ra, để dễ dàng kinh doanh, người bán hàng trên sàn thương mại điện tử tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Chẳng hạn khi nhái các thương hiệu nổi tiếng, như: Dior, Chanel, Gucci thì viết thành D.I.O.R, Cha nel, DIO, gu.ci… Khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì các đối tượng lại tiếp tục đổi thành tên khác. Do đó, việc kiểm soát người bán hàng vi phạm đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó cục trưởng Cục QLTT TP Cần Thơ cho biết: “Để quản lý kinh doanh trên nền tảng TMÐT, Cục QLTT đã thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là rất khó để truy được các điểm kinh doanh vì các trang bán hàng thường không thông tin cụ thể địa chỉ; hoặc khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì trang đã xóa và lập trang mới… Bên cạnh đó, lực lượng QLTT ít được tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ về kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực TMÐT nên gặp nhiều hạn chế trong quá trình kiểm tra, giám sát”.
Tương tự, theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh An Giang: “Một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, bởi muốn phá các vụ việc vi phạm pháp luật này phải tìm được hàng hóa, do vậy, những thủ đoạn trên khiến việc “lật tẩy” mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, các đối tượng thường sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, nhưng để giải thích được cho ra một quyết định này mất nhiều thời gian, lúc đó hàng hóa có thể đã bị tẩu tán hết”.
Một trong những khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là việc vận chuyển qua bưu chính. Theo quy định hiện nay, cơ quan bưu chính và các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát thay mặt cho khách hàng kê khai hàng hóa và làm các thủ tục hải quan. Vì vậy, khi phát hiện bưu phẩm có vi phạm, truy tìm người chịu trách nhiệm rất khó vì người gửi thường dùng địa chỉ giả; còn người nhận khi biết đó là hàng cấm hoặc phải đóng thuế cao thì từ chối nhận. Ðối với hàng hóa vận chuyển trong nước bằng đường hàng không thì chỉ bị kiểm tra ở đầu nhập hàng và đầu cuối trả hàng, không bị kiểm tra trong quá trình vận chuyển như đường bộ…
Gắn trách nhiệm với chủ sàn
Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi trên, ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) cho rằng, để công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng TMĐT đạt được hiệu quả cao cần rất nhiều yếu tố. Với riêng lực lượng QLTT, cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng TMĐT. Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn TMĐT, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng. “Khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ. Hơn nữa, các sàn cũng nên hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa. Một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn TMĐT cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại, khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Bởi vậy, nếu các sàn TMĐT làm tốt hơn khâu này sẽ bảo đảm tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chung tay chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng…”, ông Đức đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, cục phối hợp với Tổng cục QLTT xây dựng “Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng TMÐT trong giai đoạn 2021-2025” với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan. Hàng loạt giải pháp được đưa ra, như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động, thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kỹ năng nhận biết hàng thật-hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng…
Ngoài ra, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng đối với phương thức thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, trong cuộc chiến này, người tiêu dùng vẫn giữ vai trò quan trọng nhất. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái sẽ góp phần ngăn chặn được “nguồn cung”, từ đó giúp công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn.
Ý kiến ()