Siết chặt quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản
LSO-Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 38 điểm khai thác và chế biến khoáng sản. Hoạt động này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cùng với đó nó cũng gây ra các tác động trái chiều, ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường sinh thái và đời sống nhân dân vùng lân cận.
Sản xuất đá tại mỏ đá xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc – Ảnh: YÊN SƠN |
Thực tế, trong những năm gần đây, tại các điểm khai thác khoáng sản đã từng xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản, có nhiều trường hợp cộng đồng dân cư sống lân cận điểm khai thác tập trung phản đối hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp do vấn đề ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Gần đây nhất là tại khu vực mỏ đá Hồng Phong, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc.
Trước thực trạng đó, ngày 11/5/2016, UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác đá vôi và khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tới đây, UBND tỉnh sẽ không cấp phép mới hoặc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản làm vật liệu xây dựng khác ở chân đồi, núi dọc theo các tuyến đường quốc lộ. Đồng thời, không cấp phép các điểm mỏ đá vôi đủ chất lượng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, khoáng chất công nghiệp, làm vôi công nghiệp, đá ốp lát để làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản; tham mưu cho UBND tỉnh đình chỉ hoặc thu hồi giấy khai thác khoáng sản đối với các tổ chức khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản gây mất an toàn lao động, gây tổn thất lớn khoáng sản, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử – văn hóa.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá hoạt động tại các điểm khai thác theo kế hoạch năm hoặc đột xuất khi có kiến nghị của nhân dân. Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Khắc Anh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Từ năm 2015 đến nay, sở đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý 25 cá nhân khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Bắc Sơn; xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình hoạt động khai thác đá của Doanh nghiệp tư nhân Sơn Đức, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn và Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Giang, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng 50,5 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, sở đã chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 3 cuộc kiểm tra đột xuất về việc khai thác, vận chuyển khoáng sản đối với 1 tổ chức và 2 cá nhân. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với 8 tổ chức và 7 cá nhân với số tiền 146,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, sở đã thành lập tổ công tác tổ chức kiểm tra, quan trắc môi trường tại một số điểm khai thác đá trên địa bàn. Tại mỗi điểm kiểm tra, tổ công tác chủ động phối hợp với người dân tại địa bàn lựa chọn thời gian, địa điểm quan trắc hợp lý để đánh giá kết quả một cách khách quan nhất. Đến thời điểm hiện tại, sở đã phát hiện một số vi phạm như tiếng ồn và mật độ bụi quá quy định tại một số điểm kiểm tra. Kết thúc đợt kiểm tra, sở sẽ báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định.
ANH DŨNG
Ý kiến ()