Siết chặt quản lý chi ngân sách nhà nước
Năm 2015, với những dự báo nền kinh tế phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô đang giảm nhanh và mạnh, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) được dự báo rất khó khăn. Bên cạnh các giải pháp tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh (SXKD), thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển,... việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó, tăng cường kiểm soát chi NSNN được xác định là giải pháp quan trọng.
Vượt quá khả năng cân đối
Ðánh giá chung về công tác quản lý chi NSNN trong năm 2014, Bộ Tài chính cho biết, cơ cấu chi NSNN đã bộc lộ rõ những hạn chế. Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng nhanh để thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Ðảng và Nhà nước về cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH) trong thời gian qua (năm 2011 là 59,3%; năm 2014 dự toán tăng lên mức 70%, ước thực hiện khoảng 67%); do đó phải giảm chi đầu tư và bố trí chi trả nợ thấp hơn nhu cầu. Trong khi đó, việc bố trí, sử dụng kinh phí dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức chi vẫn còn xảy ra; việc tổ chức thực hiện một số chính sách về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm ASXH và các chương trình mục tiêu còn một số bất cập, cả ở khâu ban hành chính sách và tổ chức thực hiện. Việc thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến trùng lặp, chồng chéo, kém hiệu quả, vượt quá khả năng cân đối của NSNN và chưa thật sự mang lại nhiều hiệu quả về mặt xã hội như mong muốn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, trong điều kiện đó, công tác điều hành quyết liệt thu, chi NSNN được ngành tài chính xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ngành vẫn quyết tâm tăng thu, quản lý chi ngân sách theo đúng phương thức chặt chẽ, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả. Việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính của ngành tài chính phải được thực hiện đồng thời với công tác quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao của các bộ, ngành T.Ư và địa phương thì mới phát huy được hiệu quả thật sự. Quản lý chi NSNN muốn chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, phải thực hiện chi trong phạm vi dự toán được giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định. Các đơn vị sử dụng ngân sách phải chủ động rà soát cắt, giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, đi công tác nước ngoài; rà soát các dự án đầu tư; việc phân bổ ngân sách phải bảo đảm tính tập trung, qua đó mới hạn chế được sự dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Trong sắp xếp chi thường xuyên, các đơn vị cần tự giác ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách,… để kịp thời khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng NSNN.
Bảo đảm chi theo dự toán chặt chẽ hơn
Những năm qua, công tác thu NSNN rất khó khăn, khả năng hụt thu rất dễ xảy ra. Trong hoàn cảnh ấy, việc trân trọng, gạn lọc, kiểm soát hiệu quả từng đồng tiền đầu tư từ NSNN là trách nhiệm lớn, luôn “thường trực” trong hệ thống Kho bạc Nhà nước – khâu kiểm soát cuối cùng đối với từng đồng vốn góp của nhân dân.
Theo kết quả Kiểm toán nhà nước (KTNN) về chấp hành NSNN cho thấy, ngay từ niên độ ngân sách năm 2011, số chi NSNN đã quyết toán đạt 787.600 tỷ đồng, vượt dự toán 8,5% do việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức… có chiều hướng gia tăng. Chỉ kiểm toán định kỳ tại 14 bộ, ngành, KTNN đã phải kiến nghị thu hồi nộp NSNN 9,7 tỷ đồng; 28 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí, chi không đúng tiêu chuẩn,… hơn 2.000 tỷ đồng. Ða số các địa phương sử dụng nguồn dự phòng sai quy định, cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi; sử dụng nguồn tăng thu, chi chuyển nguồn không đúng quy định…” – Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng cho biết. Chính sự mất cân bằng trong thu – chi NSNN, cơ chế quản lý luôn được đổi mới theo hướng siết chặt,… đã khiến việc triển khai các giải pháp quyết liệt để bảo đảm nguồn vốn cho các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán dồn gánh nặng lên vai Kho bạc nhà nước các cấp.
Năm 2015, dự toán chi NSNN chỉ đáp ứng khoảng một phần ba nhu cầu tăng chi tối thiểu, mức bội chi là 226 nghìn tỷ đồng (tương đương 5% GDP), đòi hỏi việc bố trí chi phải hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. Quốc hội đã thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2015 sẽ tăng chi trả nợ bảo đảm trả đủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn và chi trả nợ lãi các khoản vay trong nước, thực hiện đảo nợ một phần khoản nợ gốc vay trong nước; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia để bảo đảm cho các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cấp bách. Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương đối với số vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên trong diện phải thu hồi; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc ứng vốn từ NSNN cho các công trình, dự án; quản lý chặt chẽ việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách ở tất cả các cấp ngân sách.
Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định: Ngành tài chính sẽ tập trung giải ngân vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách (vốn đối ứng các dự án ODA; ứng vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2015…). Trong thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách; triệt để tiết kiệm chi; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư để phân bổ tập trung, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; rà soát tổng thể các chính sách ASXH, các chương trình mục tiêu quốc gia,… Việc ban hành các chính sách mới làm tăng chi ngân sách chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Năm 2014, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi đối với 686.790 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đạt 97,5% dự toán. Qua đó, phát hiện khoảng 37 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng. Ðối với chi đầu tư phát triển kế hoạch năm 2014, ước giải ngân qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt 97,3% kế hoạch; giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 88,9% kế hoạch. Thông qua kiểm soát, đã từ chối thanh toán 90 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu hoặc không có trong hợp đồng, dự toán.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()