Siết chặt quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền
– Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền đã được ngành y tế siết chặt với nhiều giải pháp tích cực.
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng các loại dược liệu, thuốc cổ truyển trong điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng lớn. Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 45 phòng khám, chẩn trị y học cổ truyền, 5 cơ sở kinh doanh dược liệu được đơn vị quản lý. Cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quản lý nguồn dược liệu, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền tại cơ sở.
Cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm kiểm tra mẫu dược liệu tại đơn vị
Theo đó, năm 2021, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 16 cơ sở dược liệu, phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT) và xử phạt 5 cơ sở vi phạm (2 cơ sở kinh doanh, bán lẻ dược liệu, 3 phòng chẩn trị YHCT) với tổng số tiền xử phạt 56 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu về buôn bán dược liệu không đạt chất lượng và khám chữa bệnh bằng phương pháp YHCT không đúng quy định.
Năm 2022, để siết chặt công tác quản lý, chất lượng dược liệu và sử dụng các loại thuốc cổ truyền vào khám chữa bệnh, Thanh tra Sở Y tế đã xây dựng phương án, kế hoạch để kiểm tra chuyên đề riêng về dược liệu và khám chữa bệnh bằng YHCT bắt đầu từ ngày 20/6 (trong thời gian 10 ngày). Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh, bán lẻ dược liệu và các phòng chẩn trị YHCT theo tuyến đường và từng địa bàn cụ thể.
Cùng với đó, để kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền đảm bảo an toàn, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh đã thực hiện tốt công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm và kiểm tra chất lượng dược liệu nhập khẩu.
Bà Đinh Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm cho biết: Đối với công tác kiểm nghiệm, đơn vị tập trung kiểm tra, giám sát các thuốc đình chỉ lưu hành tại các cơ sở kinh doanh, phân phối các loại thuốc có nguy cơ cao về kém chất lượng. Chỉ tính riêng năm 2021, đơn vị đã kiểm nghiệm 258 mẫu vị thuốc, đông dược, dược liệu, kết quả cho thấy, trong 258 mẫu trên, có 9 vị thuốc, 13 dược liệu không đảm bảo chất lượng, đơn vị đã kịp thời báo cáo kết quả cho các lực lượng chức năng tiến hành xử lý, thu hồi các sản phẩm trên theo đúng quy định. Trong 5 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiến hành kiểm nghiệm 50 mẫu vị thuốc và đông dược, qua kiểm nghiệm cơ bản các mẫu đều đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Để đảm bảo chất lượng các loại dược liệu, thuốc cổ truyền, công tác tuyên truyền được các đơn vị đẩy mạnh đến từng cơ sở kinh doanh thuốc cũng như các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền. Theo đó, hằng năm, đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế, các đoàn kiểm tra liên ngành của các huyện, thành phố đều thực hiện kiểm tra kết hợp với công tác tuyên truyền trực tiếp đến từng đơn vị, trung bình mỗi năm, các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho 50 lượt cơ sở. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là việc đảm bảo các yêu cầu về bảo quản, truy xuất rõ nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng khi bệnh nhân sử dụng.
Ông Trịnh Đình Thỏa, chủ cơ sở bán lẻ dược liệu, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua tuyên truyền của lực lượng chức năng, chúng tôi luôn quan tâm công tác quản lý chất lượng các loại dược liệu, thuốc cổ truyền bằng việc xây dựng kho bảo quản đảm bảo đúng tiêu chuẩn; các nguyện liệu đầu vào được thu mua đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do vậy, chất lượng thuốc luôn được bảo đảm, người dùng luôn yên tâm và đến cửa hàng nhiều hơn.
Thời gian tới, để đảm bảo chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trên địa bàn, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa. Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT và các cơ sở kinh doanh dược liệu kiểm soát tốt chất lượng đầu vào của dược liệu, thuốc cổ truyền, đảm bảo không có dược liệu, thuốc cổ truyền kém chất lượng lưu thông trên địa bàn, qua đó, người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng các loại dược liệu, thuốc cổ truyền đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Ý kiến ()