Siết chặt quản lý an ninh mạng trong tình hình mới
LSO- Trước những rủi ro, sự cố mất an toàn thông tin mạng có chiều hướng gia tăng, Công an tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Đối tượng Nguyễn Văn Quyền, trú tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định
bị bắt do sử dụng mạng viễn thông giả danh cán bộ công an để lừa đảo
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.200 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động); 100% xã có sóng di động 2G; 100% phường, thị trấn có sóng di động 3G, 4G; mạng viễn thông kỹ thuật số hiện đại được kết nối tới 11 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, trên địa bàn có 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đường truyền internet với 340 đại lý; 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại với khoảng trên 800 nghìn thuê bao.
Thiếu tá Hoàng Gia Định, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh cho biết: Sự phát triển các dịch vụ internet và thương mại điện tử đã tạo ra những cơ hội lớn trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân. Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện những nguy cơ rủi ro mất an toàn thông tin, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế – xã hội hiện đại. Đơn cử, tại các cơ quan Nhà nước, việc truyền tải thông tin trên hệ thống eoffice tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, lộ lọt bí mật Nhà nước. Thêm nữa, việc kiểm soát tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội như: zalo, facebook gặp nhiều khó khăn, do hầu hết thông tin tài khoản là thông tin ảo. Thực tế từ nhiều vụ việc cho thấy, an toàn thông tin mạng không còn là câu chuyện riêng của tổ chức, cá nhân nào mà nó còn tác động đến chủ quyền, an ninh quốc gia.
Trước thực tế trên, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 1456, ngày 3/10/2013 về ban hành quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn; Chỉ thị số 02 ngày 11/4/2017 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm sử dụng hệ thống thông tin gây hại đến an toàn, an ninh thông tin trong cơ quan Nhà nước; điều tra, đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh thông tin theo thẩm quyền…
Kết quả, qua nắm tình hình, thực hiện công tác điều tra cơ bản, từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện 7 đối tượng trên địa bàn có hoạt động soạn thảo, phát tán chia sẻ hàng trăm bài viết có nội dung chống Đảng, chống Nhà nước. Trong đó đã răn đe, giáo dục, vô hiệu hóa 4 đối tượng, đang theo dõi hoạt động 3 đối tượng. Đồng thời phát hiện 10 loại mã độc được cài đặt trong 13 máy tính, 2 linh kiện công tắc nguồn và 27 chiếc điện thoại di động (là quà của cán bộ tỉnh được tặng trong chuyến thăm nước ngoài) có cài đặt sẵn phần mềm đọc, sao chép thông tin, danh bạ người dùng rồi gửi về nơi cài đặt. Ngoài ra, Công an tỉnh còn xác minh làm rõ 4 vụ, bắt giữ 4 đối tượng lợi dụng mạng Internet, mạng viễn thông giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhân dân…
Theo khuyến cáo của đơn vị chuyên môn Công an tỉnh, để ngăn ngừa, không trở thành nạn nhân của tội phạm an ninh mạng, mỗi cơ quan, ban, ngành cần có hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phải có cán bộ đủ năng lực, trình độ trong lĩnh vực an ninh mạng, có hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ, tác hại, hậu quả của mất an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân…
Ý kiến ()