Siết chặt kiểm soát giá, ngăn hiện tượng 'té nước theo mưa' khi tăng lương cơ sở
Trước việc tăng lương cũng như mức thu nhập bình quân của người lao động tăng nhẹ, câu chuyện khiến nhiều người lo ngại là giá cả các loại hàng hóa tăng lên, thậm chí tăng trước mỗi kỳ tăng lương.
Quốc hội thống nhất giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Đợt cải cách tiền lương này mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cụ thể là cán bộ, công viên chức.
Theo Tổng cục Thống kê, sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng vẫn xảy ra và cần có giải pháp kiểm soát.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho hay tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.
Như vậy, sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, quan hệ cung cầu thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, tình hình đời sống dân cư trong nửa năm qua đã được cải thiện hơn.
Theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư 2024, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cũng cho biết thu nhập bình quân của người lao động quý 2/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137.000 đồng so với quý 1/2024. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số này tăng 490.000 đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trước việc tăng lương cũng như mức thu nhập bình quân của người lao động tăng nhẹ, câu chuyện khiến nhiều người lo ngại là giá cả các loại hàng hóa tăng lên, thậm chí tăng trước mỗi kỳ tăng lương. Thực tế cũng đã phản ánh lo ngại này là có cơ sở, nhất là ở các chợ dân sinh, chợ truyền thống - nơi mà nhu cầu mua bán hàng hóa hằng ngày vẫn khá cao.
Cụ thể, nhiều số liệu công bố cho thấy hiện kênh bán lẻ hiện đại (hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại…) mới chiếm 25% thị phần, còn lại vẫn chủ yếu là các chợ truyền thống, do đó, sức ép tăng giá cũng là đáng kể.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chuyện tăng giá khi tăng lương, thậm chí tăng giá khi mới có chủ trương tăng lương vẫn xảy ra nhưng chỉ là thực trạng đáng lo ngại của hơn 10 năm trước khi thị trường chủ yếu ở dạng tự phát, tự do. Thời gian gần đây, ít xảy ra việc tăng giá.
"Tuy nhiên, vẫn phải lường trước tác động ngược của việc tăng lương," chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Để ngăn ngừa hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng, Tổng cục Thống kê khuyến nghị các cơ quan chức năng tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, cơ quan chức năng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.
Cùng đó, khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.
Đặc biệt, tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương (1/7/2024), dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng các đợt khuyến mại không chỉ giúp tác động tăng giá ít đi mà còn tác động đến kích cầu tiêu dùng. Khi siêu thị bán với giá niêm yết và ổn định thì người dân sẽ tìm đến siêu thị để mua. Việc tăng giá ngoài chợ sẽ không tác động đến túi tiền người tiêu dùng. Dần dần, người dân sẽ hình thành thói quen mua sắm hàng hóa ở siêu thị và các tiểu thương ở chợ dân sinh, chợ truyền thống sẽ phải thay đổi cách bán hàng của mình.
"Điều quan trọng là cần kiểm soát chặt chẽ tỷ giá và giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện... Tỷ giá và các mặt hàng này tăng sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên giá cả hàng hóa," chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.
Ý kiến ()