Siết chặt kiểm dịch, chủ động giám sát
LSO-Như đã thành quy luật, thời điểm này hàng năm là thời điểm rất dễ bùng phát bệnh, dịch lở mồm long móng trên gia súc. Trong tháng 12/2015, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các ổ bệnh tại các huyện: Văn Lãng, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn.
Cán bộ Trạm Thú y thành phố Lạng Sơn hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi điều trị bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc |
Từ đường vận chuyển…
Ngày 20/12/2015, Trạm thú y Văn Lãng phát hiện triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn của gia đình bà Nông Thị Hường, thôn Nà Tồng (xã Tân Thanh). Kiểm tra thực tế cho thấy, đàn lợn 8 con của bà Hường đều có biểu hiện đi tập tễnh, lở loét vành kẽ móng chân, trong đó đã có con bị tụt nặng phần móng. Qua điều tra dịch tễ của Chi cục Thú y, toàn bộ số lợn mắc bệnh trên đều được mua tại chợ Na Sầm từ ngày 10/12/2015. Về nguồn gốc, số lợn này do thương lái từ tỉnh miền xuôi vận chuyển đến.
Cùng thời điểm này, ngày 23/12/2015, cán bộ thú y tiếp tục phát hiện 11 con lợn ở thôn Cò Tào và Phiêng Liệt, xã Hội Hoan có triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng. Triệu chứng này sau đó đã lây lan sang 11 con trâu, 5 con bò của hai thôn này. Điều đáng nói là số lợn này sau đó được xác định là cũng mua cùng ngày với đàn lợn của bà Hường tại chợ Na Sầm do tư thương ở tỉnh khác vận chuyển lên.
Rất may là cho đến nay, Chi cục Thú y đã khống chế được các ổ bệnh trên, không để lây lan ra diện rộng. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: hiện nay bắt đầu xuất hiện một số thương lái vận chuyển lợn từ các tỉnh miền xuôi Lạng Sơn cố tình trốn tránh kiểm dịch. Số lợn được vận chuyển nhỏ lẻ, kèm trên các xe chở khách gây khó khăn cho công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển.
Nhận định tình hình, cuối tháng 12/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn tăng cường kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển lợn con giống qua địa bàn. Trong đó kiên quyết xử lý các trường hợp không có kiểm dịch vận chuyển, không đảm bảo vệ sinh thú y; công khai danh sách, địa chỉ của các chủ hộ kinh doanh vi phạm. Đồng thời Trạm Kiểm dịch động vật Bến Lường (Hữu Lũng) trực 24/24 giờ, siết chặt kiểm soát.
Đến các ổ dịch cũ
Ở một diễn biến khác, ngày 10/12/2015, tại thôn Pà Há, xã Lương Năng, huyện Văn Quan, cán bộ thú y cũng đã phát hiện triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu. Tổng số con mắc bệnh được xác định là 46 con (25 con trâu, 21 con bò), trong đó 1 con nghé bị chết và đã tiêu hủy theo đúng quy định. Nguyên nhân sau đó được xác định là phát sinh trên ổ dịch cũ.
Trước đó, ngày 3/12/2015, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, nhận được tin báo của hộ gia đình bà Trần Thị Phông, tổ 3, khối 8, phường Đông Kinh, cán bộ thú y kiểm tra và phát hiện triệu chứng bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu của gia đình. Số con mắc bệnh là 6 con trong tổng số 9 con trong đàn.
Cán bộ Trạm Thú y thành phố Lạng Sơn phun khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại khối 8, phường Đông Kinh |
Đến thời điểm đầu tháng 1/2016, tất cả các ổ bệnh trên đều đã được khống chế. Số trâu, bò mắc bệnh đã cơ bản khỏi triệu chứng và đang phục hồi sức khỏe. Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: yếu tố quan trọng để khống chế ổ bệnh đó chính là giám sát tốt để phát hiện kịp thời, xử lý ngay khi tình hình chưa trở nên phức tạp.
Bà Trần Thị Phông, chủ hộ chăn nuôi chia sẻ: ngay khi đàn trâu có hiện tượng bất thường, gia đình tôi đã chủ động báo ngay cho cán bộ thú y, nhờ vậy đàn gia súc được chữa trị kịp thời và cũng không ảnh hưởng đến gia súc ở khu vực lân cận.
Giai đoạn hiện nay, nguy cơ bùng phát bệnh, dịch lở mồm long móng trên gia súc là rất lớn. Cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ siết chặt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển và tăng cường giám sát. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao thì sự hợp tác của các hộ chăn nuôi là rất quan trọng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()