Siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển nóng với nhiều hình thức đang được triển khai, trong đó bao gồm cả hình thức không minh bạch, lợi dụng phát hành trái phiếu cho mục tiêu “đặc biệt” của doanh nghiệp. Nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn, tăng khả năng quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, minh bạch, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Nghị định 163.
Việc sửa đổi ngay một số điều, khoản tại Nghị định số 163 cũng thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn theo phương thức phát hành ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, phù hợp với định hướng mở rộng thị trường chính thức, thu hẹp thị trường tự do để đảm bảo sự quản lý, giám sát của Nhà nước.
Siết chặt điều kiện phát hành TPDN
Nhằm hạn chế tình trạng DN có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả DN phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng DN phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp DN muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Bổ sung điều kiện về khoảng cách giữa các đợt phát hành như sau: Nhằm hạn chế việc các DN chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Đối với lãi suất vay vốn: Bộ Tài chính cho biết, Luật Dân sự năm 2015 (Khoản 1 Điều 468), quy định mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% năm; pháp luật về thuế cũng có quy định về mức chi phí lãi vay hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ vào các quy định trên, nhằm hạn chế việc DN phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015, quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của DN khi xác định thu nhập tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật về thuế.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Ý kiến ()