Siết chặt công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều người nước ngoài (NNN) cư trú, đồng thời hằng năm có hàng nghìn lượt NNN đến địa phương với các mục đích khác nhau. Thời gian qua, lực lượng công an tỉnh đã tăng cường các giải pháp để siết chặt quản lý nhà nước đối với NNN, nhằm phòng ngừa các vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có yếu tố nước ngoài tại địa phương.

Thượng tá Liễu Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý XNC, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, đơn vị đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm siết chặt quản lý NNN trên địa bàn. Đơn vị tập trung rà soát nắm tình hình, lập danh sách chi tiết về tên, tuổi, quốc tịch, công việc, địa điểm cư trú, làm việc của từng NNN. Trên cơ sở đó, yêu cầu các cơ sở, các doanh nghiệp có NNN lưu trú, tạm trú, làm việc phải kiểm tra giấy tờ đảm bảo đủ điều kiện và tiến hành khai báo tạm trú theo quy định.
Hằng năm, Phòng Quản lý XNC tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh phê duyệt các kế hoạch hướng dẫn công an cấp xã, để từ đó công an cấp xã hướng dẫn các cơ sở lưu trú lập tài khoản tự khai báo tạm trú qua hệ thống phần mềm dành riêng cho NNN tại Việt Nam. Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về XNC và quản lý NNN tại cơ sở.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã triển khai 13 kế hoạch tuyên truyền pháp luật về XNC, lồng ghép tổ chức tuyên truyền trong hoạt động thiện nguyện tại 4 xã biên giới và nội địa; in, phát 6.000 tờ rơi song ngữ Việt - Trung có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cách thức đăng ký nộp hồ sơ đối với một số dịch vụ công trực tuyến phổ biến trong lĩnh vực quản lý XNC.
Ông Foster Kojo Dunyoh, quốc tịch Ghana, giáo viên dạy tiếng Anh tại Công ty TNHH Birdnest Edu, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho biết: Tôi làm việc ở đây đã 3 năm. Qua tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ công an địa phương và chủ doanh nghiệp, tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định về XNC, các quy định về cư trú, làm việc tại Việt Nam. Tôi thấy an ninh trật tự (ANTT) ở đây đảm bảo, con người thân thiện, tôi rất yên tâm khi làm việc, gắn bó tại đây.
Mặt khác, Phòng Quản lý Quản lý XNC Công an tỉnh thường xuyên hướng dẫn công an cấp xã trên địa bàn kiểm tra các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp có NNN tạm trú, làm việc. Qua đó góp phần khắc phục tồn tại, thiếu sót, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp trong quản lý NNN. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 170.500 lượt đăng ký khai báo tạm trú cho NNN qua hệ thống phần mềm; đồng thời thực hiện 70 lượt trao đổi, hướng dẫn thực hiện thủ tục liên quan thông qua mô hình “Zalo tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật về XNC”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Future link, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trung tâm hoạt động từ năm 2017; từ đó đến nay có khoảng 20 lượt giáo viên NNN đến làm việc. Hiện tại, trung tâm có 7 giáo viên NNN đang làm việc. Thời gian qua, Phòng Quản lý XNC Công an tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn trung tâm thực hiện đầy đủ, đúng quy định các thủ tục liên quan đến quản lý NNN đang làm việc tại trung tâm. Bản thân các giáo viên NNN tại đây cũng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật ở nơi làm việc và nơi cư trú, không để xảy ra vấn đề gì liên quan đến mất ANTT.
Cùng với các giải pháp trên, lực lượng công an tỉnh và các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về XNC và công tác quản lý cư trú của NNN tại địa phương. Từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 3/2025, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 137 vụ, 298 trường hợp vi phạm quy định về XNC; trong đó khoảng 95% là về hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục XNC theo quy định của pháp luật, còn lại là quá hạn tạm trú, không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất, hư hỏng hộ chiếu, giấy thông hành…
Nhờ siết chặt quản lý Nhà nước đối với NNN nên thời gian qua, trên địa bàn không để xảy ra sự việc mất ANTT liên quan đến NNN. Qua đó góp phần giữ ổn định tình hình địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Ý kiến ()