Si Ma Cai vẫn còn bị người làm du lịch lãng quên
Tỉnh Lào Cai xác định đánh thức tiềm năng những tuyến, điểm du lịch mới là rất cần thiết nhằm giảm tải cho các thắng cảnh du lịch quen thuộc và tạo ra sức hấp dẫn mới cho du lịch Lào Cai.
Huyện Si Ma Cai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi đây rất giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Hơn thế, Si Ma Cai còn giữ nguyên được nét hoang sơ, tự nhiên – một điểm nhấn đặc biệt thu hút người nước ngoài và những du khách thực sự muốn khám phá cuộc sống, con người, văn hóa vùng Tây Bắc biên ải Tổ quốc.
Bản sắc phong phú
Tương tự thiên đường du lịch Sa Pa – cũng ở giữa núi cao và mây mù, ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, cũng bạt ngàn rừng thông sa mu vươn thẳng trong buốt giá sương lạnh, cũng rực rỡ sắc màu thổ cẩm với nhiều nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân tộc thiểu số – nhưng Si Ma Cai dường như bị những người làm du lịch lãng quên.
Theo những vị cao niên kể lại, những năm trước đây, muốn đến được Si Ma Cai cách tốt nhất là đi bộ từ Bắc Hà. Người khỏe đi nhanh cũng phải mất 7-8 tiếng đồng hồ, còn người bình thường đi phải mất cả một ngày đường.
Bởi thế thật dễ hiểu khi con ngựa (phương tiện đi lại) gắn bó mật thiết và xuất hiện nhiều đến vậy ở vùng cao này. Chợ ngựa Si Ma Cai, chợ trâu, ngựa Cán Cấu được đánh giá là một trong những chợ mua bán, trao đổi trâu, ngựa lớn nhất miền Bắc. Những phiên chợ này không chỉ thu hút thương lái miền núi về miền xuôi mà còn hấp dẫn khách du lịch, nhất là khách du lịch từ nước ngoài (mỗi phiên chợ có từ 50 đến 100 khách du lịch nước ngoài đến chợ).
Nét hấp dẫn, sự khác lạ của chợ ở chỗ nơi đây không chỉ là nơi mua bán trâu, ngựa thông thường mà người mua và người bán còn được tìm hiểu phương thức canh tác, trao đổi cách thức chăm sóc trâu, ngựa.
Không chỉ có ngựa, chợ phiên Cán Cấu họp vào thứ bảy hàng tuần và chợ Si Ma Cai họp vào chủ nhật hàng tuần luôn khiến du khách cảm thấy ấm áp bởi sắc màu thổ cẩm truyền thống rực rỡ và các sản phẩm thủ công dân gian được làm bằng tay như khăn, áo, váy…
Đến chợ, du khách được thưởng thức rượu ngô Mản Thẩn, thắng cố, thịt lợn sữa, gà đen, vịt Sín Chéng… những đặc sản mà ai đã dùng một lần thì nhớ mãi trong đời. Ở Si Ma Cai, du khách không chỉ được ngắm nhìn dãy núi Quan Thần Sán với độ cao 2.800m (không kém nóc nhà Đông Dương là mấy) mà còn đặc biệt ấn tượng với vẻ đẹp từ những nụ cười dung dị, hiền lành, mộc mạc khó quên của người dân bản địa.
Cơ hội phát triển du lịch trong tương lai
Những năm qua, Si Ma Cai đã hình thành một số tour du lịch như Bắc Hà – chợ Cán Cấu – Quan Thần Sán (Si Ma Cai) – Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) hay Bắc Hà – chợ Cán Cấu – chợ Si Ma Cai – Bản Mế (Si Ma Cai) – Tả Gia Khâu (Mường Khương).
Trong tương lai, khi quốc lộ 4D nối liền từ Xín Mần (Hà Giang) qua Bắc Hà đến Si Ma Cai, qua Tả Gia Khâu (Mường Khương) hoàn thành, cùng với việc dâng nước đập thủy điện Bắc Hà sẽ mở ra tuyến du lịch trên sông Chảy.
Đây có thể nói là tuyến du lịch có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam với những vách đá dựng đứng, các hang động hầu như còn nguyên sơ và những cánh rừng bạt ngàn hoa lan quý nằm dọc hai bên bờ sông.
Đến đây, du khách được đi thuyền ngắm cảnh đẹp trên sông nước, được thưởng thức những món ngon của vùng sông nước như món cá chiên, cá anh vũ, cá sỉnh… Nét hoang sơ của Si Ma Cai và việc khai thác các tuyến, điểm du lịch mới đang mở ra cho “vùng đất đá xám” này cơ hội phát triển mạnh trong tương lai.
Hiện các tuyến, điểm du lịch mới đã được công nhận hoặc đang trong thời gian thử nghiệm đều dưới hình thức du lịch cộng đồng, homestay (du khách cùng ở và sinh hoạt chung nhà với người dân bản xứ như thành viên trong gia đình) đang rất phát triển.
Cái khó của Si Ma Cai để phát triển du lịch là cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư những vẫn trong tình trạng thấp kém. Đường vào Si Ma Cai đang được nâng cấp. Cơ sở lưu trú ngoài nhà khách Ủy ban Nhân dân huyện với trên 30 phòng đủ tiện nghi ra thì cả huyện có 3 nhà khách tư nhân với số lượng trên 100 phòng nghỉ. Các dịch vụ thu hút khách du lịch còn sơ khai, hiểu biết của đội ngũ hướng dẫn viên về phong tục tập quán, các lễ hội, các địa danh của địa phương còn hạn chế…
Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, để thực hiện tốt chủ trương phát triển du lịch vùng này, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân địa phương về kinh tế du lịch, tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ và nhất là cơ sở lưu trú ở nhà dân.
Ý kiến ()