SHB Đà Nẵng từng thua 'siêu sốc' ở châu lục
SHB Đà Nẵng vừa thất bại với tỉ số 0-5 trước đại diện đến từ Malaysia là Kelantan ở vòng bảng AFC Cup 2013. GOAL Việt Nam điểm lại 5 trận thua đáng xấu hổ của các câu lạc bộ Việt Nam tại đấu trường châu lục.
1. Gamba Osaka 15-0 Đà Nẵng (AFC Champions League 2006)
Ngày 22 tháng 3 năm 2006 đánh dấu cột mốc buồn cho bóng đá Việt Nam nói chung cũng như lịch sử bóng đá của Đà Nẵng nói riêng khi đội bóng sông Hàn thất bại tới 0-15 trước Gamba Osaka tại vòng bảng AFC Champions League 2006. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là thất bại nặng nề nhất của một câu lạc bộ Việt Nam tại đấu trường châu lục.
HLV hiện giờ của SHB Đà Nẵng là Lê Huỳnh Đức cũng góp mặt ở trận đấu đó với tư cách là cầu thủ. Hẳn HLV họ Lê này sẽ không bao giờ quên kỉ niệm buồn đó. Cho dù đã rất cố gắng nhưng với đẳng cấp quá chênh lệch, anh cùng đồng đội đã không thể rời Nhật Bản với một thất bại có thể chấp nhận được.
Ở trận lượt về sau đó tại Chi Lăng, Đà Nẵng tiếp tục để thua Gamba Osaka với tỉ số 1-5, nâng tổng tỉ số thua sau hai lượt trận lên thành 1-20.
2. Krung Thai Bank 9-1 Đạm Phú Mỹ Nam Định (AFC Champions League 2008)
Chuyến làm khách trên đất Thái ở AFC Champions League 2008 được dự báo sẽ rất khó khăn cho đoàn quân của HLV Nguyễn Ngọc Hảo. Thế nhưng, một thất bại quá nặng nề trước đối thủ trong cùng khu vực là điều khó chấp nhận được.
Thời tiết nắng nóng, thi đấu trên sân cỏ nhân tạo là một trong những nguyên nhân được gán ghép cho thất bại đó. Nhưng ở trận lượt về, Đạm Phú Mỹ Nam Định không thể giành chiến thắng trước Krung Thai Bank trên sân nhà để phần nào đó gỡ thể diện. Kết thúc vòng bảng, đội bóng thành Nam chỉ có được 1 điểm và xếp chót bảng.
3. Busan I'Park 8-0 Hoa Lâm Bình Định (AFC Champions League 2005)
Lần đầu tiên được tham dự sân chơi lớn nhất châu lục dành cho câu lạc bộ, Hoa Lâm Bình Định phải hứng chịu trận thua xấu hổ trên đất Hàn Quốc trước Busan I'Park.
Sự non kinh nghiệm, chênh lệch về đẳng cấp cùng với việc thi đấu không tốt ở V-League đã khiến đội bóng đất Võ thua tới 8 bàn không gỡ. Kết thúc vòng bảng, nhà đương kim Cúp Quốc gia bị loại và xếp cuối cùng nhưng họ cũng giành được 4 điểm (thắng Krung Thai Bank của Thái Lan 1-0, hòa Persebaya của Indonesia 0-0).
4. Kedah 7-0 Hà Nội ACB (AFC Cup 2009)
Đánh bại đối thủ một cách dễ dàng với tỉ số 3-1 ở trận lượt đi nhưng khi làm khách trên đất Malaysia, đại diện của Việt Nam lại chịu thất bại bẽ mặt với 7 bàn không gỡ.
Thời điểm này, Hà Nội ACB đang thi đấu chật vật ở giải Hạng Nhất khiến họ không thể căng sức ở hai mặt trận. Thế nhưng, màn trình diễn của đại diện thủ đô khó có thể chấp nhận được bởi dù sao họ đang mang trên mình hình ảnh của bóng đá Việt Nam ra thế giới.
5. Arema 6-2 Navibank Sài Gòn (AFC Cup 2012)
Ở lượt trận cuối cùng bảng H AFC Cup 2012, cả bốn đội bóng đều có cơ hội lọt vào vòng sau. Trong đó, đại diện của Việt Nam Navibank Sài Gòn chỉ phải chạm trán với đội bóng xếp cuối bảng Arema. Nếu giành chiến thắng, Tài Em và đồng đội sẽ chắc suất vào vòng knout-out. Thậm chí, một kết quả hòa hay thua với tỉ số cách biệt dưới 2 bàn cũng đảm bảo cho mục tiêu đó nếu ở trận còn lại đội bóng dẫn đầu Kelantan đánh bại Ayeyawady United.
Thế nhưng, trên đất Indonesia, Navibank Sài Gòn lại chịu thất bại nặng nề với tỉ số 2-6 và nhìn đối thủ bước vào vòng sau nhờ hơn chỉ số phụ. Thất bại của thầy trò HLV Phạm Công Lộc được lí giải do họ đã chọn “buông” AFC Cup để dồn sức cho V-League khi một loạt các trụ cột như Tài Em, Long Giang, Aniekan… được cất ở nhà.
Ý kiến ()