SEA Games 31: Nhịp cầu thể thao và hội nhập Việt Nam-ASEAN
Kể từ khi bắt đầu tham SEA Games từ năm 1989 ở Malaysia, đến nay thể thao đã trở thành nhịp cầu vững chắc kết nối Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Việt Nam tham gia Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) từ năm 1989 ở SEA Games 15 tại Malaysia, trước khi trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995.
Từ đó đến nay, bên cạnh các lĩnh vực chính trị-kinh tế-xã hội- văn hóa thì thể thao là nhịp cầu vững chắc kết nối nước ta với các quốc gia trong khu vực.
SEA Games: Thúc đẩy hợp tác, hiểu biết và gắn kết
Đại hội thể thao Bán Đảo Đông Nam Á (SEAP Games) – tiền thân của Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) – được tổ chức tổ chức lần đầu tiên ở Bangkok, Thái Lan vào năm 1959, nhằm thúc đẩy sự hợp tác, sự hiểu biết và sự gắn kết giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tham dự đại hội có 527 quan chức và vận động viên từ 6 quốc gia thành viên của Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á và chỉ có 12 môn thi đấu.
SEAP Games lần thứ hai được tổ chức ở Myanmar vào năm 1961 với 800 vận động viên thi đấu ở 13 môn thể thao.
Việc đăng cai tổ chức SEAP Games được trao cho các nước thành viên theo thứ tự vần chữ cái, quốc gia nào khó khăn mà khước từ quyền này thì nước xếp tiếp theo được trao quyền.
Malaysia tổ chức SEAP Games 3 vào năm 1965. Năm 1967 Thái Lan đăng cai SEAP Games 4 với 16 môn thi đấu. Myanmar tổ chức SEAP Games 5 với 15 môn thi vào năm 1969. SEAP Games 6 diễn ra tại Malaysia vào năm 1971.
Năm 1973, Singapore đăng cai SEAP Games 7 với sự tham gia của gần 1.000 quan chức và vận động viên.
Năm 1975, SEAP Games 8 được tổ chức ở Thái Lan chỉ hội tụ 4 quốc gia thành viên. Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á quyết định kết nạp các thành viên mới là Indonesia, Philippines và Brunei. Năm 1977, đại hội được tổ chức tại Malaysia với tên gọi SEA Games 9.
SEA Games 15 diễn ra năm 1989 tại Malaysia với 9/10 quốc gia thành viên tham dự và được coi là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lớn nhất cho tới thời điểm đó. Sự tham gia của Việt Nam đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.
Đây cũng là đại hội lần tiên có tổ chức rước đuốc. Lần đầu tham dự SEA Games, Đoàn thể thao của Việt Nam đã để lại dấu ấn với 3 tấm huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng.
Trong 15 lần tham dự SEA Games tiếp theo, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam được cải thiện dần, xếp thứ hạng cao hơn, số huy chương nhiều hơn. Tại SEA Games 16 (năm 1991), nước ta giành được 10 huy chương Vàng, xếp thứ 7 trong tổng số 9 đoàn tham dự.
Năm 1993, ở SEA Games 21 (năm 2001), Việt Nam vươn lên vị trí thứ 4 với 33 huy chương Vàng. Đặc biệt, tại SEA Games 22 (năm 2003) nước ta đứng ở vị trí thứ nhất trong tổng số 11 đoàn với 156 huy chương Vàng. Đây cũng là kỳ đại hội thể thao đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức.
Kể từ SEA Games 23 (năm 2005) đến nay, Việt Nam liên tục xếp thứ 2 hoặc 3 toàn đoàn với số huy chương Vàng khá cao. Tại SEA Games 30 gần đây nhất (năm 2019) diễn ra ở Philippines, Đoàn thể thao Việt Nam giành được 98 huy chương Vàng, 58 huy chương Bạc và 103 huy chương Đồng, xếp vị trí thứ 2/11.
Tham dự SEA Games 31, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 988/QĐ-BVHTTDL về việc thành lập Đoàn Thể thao Việt Nam với 1.341 thành viên, trong đó gồm 64 cán bộ, 1.277 vận động viên và huấn luyện viên.
Các vận động viên Việt Nam phấn đấu đoạt từ 140 huy chương Vàng trở lên, đứng ở nhóm đầu các quốc gia tham dự, đồng thời bảo vệ thành công vị trí cao nhất của 2 đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ.
Nói về quyết tâm của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rõ: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe.”
Dân cường quốc thịnh, chúng ta tự hào là dân tộc thượng võ, chúng ta cũng tự hào là một dân tộc yêu thể thao luôn có khát vọng cống hiến và chiến thắng. Đó chính là nền tảng để ngành thể dục thể thao phát triển và gặt hái được nhiều thành công.
Để có được thành tựu như ngày hôm nay, chúng ta phải ghi nhận sự phấn đấu, rèn luyện gian khổ của các thế hệ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên trong ngành thể dục thể thao qua các thời kỳ. Mỗi khi lá cờ Tổ quốc tung bay và quốc ca Việt Nam vang lên trên đấu trường quốc tế, chúng ta đều cảm thấy thiêng liêng và tự hào.
SEA Games 31 với tinh thần “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”
“Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” (“For a stronger Southeast Asia”) là khẩu hiệu của SEA Games 31 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Để đại hội thể thao thành công thì quốc gia chủ nhà không chỉ thể hiện sự hiếu khách, chu đáo mà còn cần có thái độ công tâm khi lựa chọn các môn thi đấu.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh SEA Games 31 là một đại hội khác biệt với các kỳ đại hội trước ở chỗ Việt Nam tổ chức hầu hết các môn thể thao Olympic, ASIAD.
Trong tổng số hơn 40 môn thể thao được tổ chức có 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD và 3 môn thể thao Đông Nam Á. Việt Nam tổ chức tất cả các môn theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và không hạn chế nội dung thi đấu nào. Có nghĩa là Việt Nam không đưa thế mạnh vào và hạn chế thế mạnh của các quốc gia khác. Vấn đề này được các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ và đánh giá cao.
Việt Nam là quốc gia đi tiên phong tổ chức đại hội thể thao khu vực theo hình thức này và đây là bước đi quan trọng góp phần thay đổi cách thức, định hướng tổ chức các đại hội thể thao tiếp theo của khu vực, nhằm nâng cao thành tích, chất lượng của thể thao ASEAN, dần rút ngắn khoảng cách với châu lục, thế giới.
SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mục tiêu cao nhất là để SEA Games 31 diễn ra an toàn, suôn sẻ, để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. “Đây cũng là dịp để nước chủ nhà vinh dự, tự hào quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam với du khách quốc tế” như lời căn dặn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi đến thăm, động viên vận động viên, huấn luyện viên và kiểm tra công tác tổ chức SEA Games 31 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội, Cung Thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Riêng thành phố Hà Nội đã dành hơn 600 tỷ đồng cho việc nâng cấp, sửa chữa, trang hoàng cơ sở vật chất tại các địa điểm thi đấu trên toàn địa bàn Thủ đô, cải tạo các công trình do địa phương quản lý. Là địa phương đăng cai 18 môn thể thao và lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31, Hà Nội xác định đây là cơ hội để Thủ đô giới thiệu về nét đẹp con người và danh lam thắng cảnh tới bạn bè quốc tế.
Hàng ngàn người là thành viên Ban Tổ chức, trọng tài, vận động viên và huấn luyện viên của các nước tham dự SEA Games 31 tại Quảng Ninh được miễn phí tham quan các điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan, đơn vị phục vụ SEA Games của tỉnh cần nghiên cứu, tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm cho các đoàn thể thao xen kẽ giữa những ngày thi đấu để vận động viên, huấn luyện viên có cảm nhận tốt nhất về Quảng Ninh.
Là địa điểm tổ chức bảng A môn bóng đá nam có đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu cùng một trận bán kết, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Tỉnh đã đầu tư hơn 44 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp mặt sân thi đấu và hệ thống một số sân tập phục vụ các đội tuyển. Sân vận động Việt Trì hiện là một trong những sân vận động khá hiện đại của khu vực phía Bắc với mặt sân được trồng cỏ có tiêu chuẩn tốt với sức chứa khoảng 18.000 chỗ ngồi.
Thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đăng cai tổ chức các trận đấu vòng bảng B môn bóng đá nam từ ngày 7-22/5. Trong thời gian diễn ra các trận đấu, để tạo điều kiện cho người hâm mộ bóng đá vào sân vận động Thiên Trường cổ vũ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho khán giả được xem miễn phí, đồng thời tổ chức phương án bảo đảm an ninh, an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trước khi đại hội thể thao diễn ra, đại diện các đoàn quốc tế đã có chuyến đi khảo sát, kiểm tra các địa điểm phục vụ thi đấu SEA Games 31 tại Việt Nam. Đại diện các đoàn đã đánh giá cao công tác tổ chức và sự chủ động của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà.
Ông Dato’ Paduka Nur Azmi Ahmad, Trưởng đoàn Malaysia, cho biết, ông hoàn toàn yên tâm về Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình và Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội.
Ông Lee Ping Hun Antony, Giám đốc Ủy ban Olympic quốc gia Singapore, nhận xét, nước chủ nhà Việt Nam đã có được sự chuẩn bị rất tốt về mặt cơ sở vật chất…
Chia sẻ với các đoàn trong chuyến khảo sát, ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mong muốn rằng qua buổi kiểm tra, các đoàn quốc tế sẽ có được cái nhìn tốt nhất, hiểu và ủng hộ Việt Nam tại kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần này./.
Ý kiến ()