Sẽ xử phạt các doanh nghiệp chưa nộp tiền xử lý chất thải
Các DN sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20/4. Bộ TN&MT sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các DN chưa nộp tiền xử lý chất thải.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2022 và Nghị định hướng dẫn thi hành quy định rõ, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế như: Thuốc bảo vệ thực vật, kẹo cao su, pin dùng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt, thuốc lá, đồ nhựa dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, quần áo, đồ da, giày dép, đồ chơi và túi nilon khó phân hủy kích thước nhỏ… đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20/4/2022.
Tuy nhiên, theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, tại đợt đóng quỹ đầu tiên, hầu hết các nhà sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ này. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khá nhiều DN chưa kê khai và nộp tiền vào quỹ theo đúng quy định. Bộ TN&MT đã có danh sách của các DN này và sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt.
Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, đưa ra các mức xử phạt nặng đối với DN vi phạm các quy định về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải nói riêng và trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung.
Cụ thể, các DN có một trong các hành vi như: Không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên sẽ bị phạt đến 2 tỷ đồng.
Ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh dù Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chưa ban hành và chưa có hiệu lực nhưng các DN vẫn phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường để thu gom, xử lý chất thải theo đúng thời hạn quy định.
Sau ngày 20/4, tất cả các DN thuộc đối tượng phải đóng Quỹ mà chưa kê khai, chưa đóng Quỹ sẽ bị xử phạt ngay sau khi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực.
Ngoài các mức phạt nặng, các DN có các hành vi vi phạm như trên còn bị công khai danh tính trên Cổng Thông tin điện tử EPR quốc gia.
Để đảm bảo sự công bằng cho các DN cũng như việc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ những đối tượng không phải thực hiện EPR, gồm: Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; nhà sản xuất bao bì có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Ý kiến ()