Sẽ tổ chức thêm đợt thi tốt nghiệp THPT trong trường hợp bất khả kháng
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Giáo dục, trong trường hợp bất khả kháng, tùy thuộc tình hình số lượng và phân bố F1 của địa phương để tính toán đến việc tổ chức thêm kỳ thi.
“Mục tiêu đặt ra là tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đặc biệt là đảm bảo công bằng an toàn trong điều kiện có dịch.”
Đây là yêu cầu được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 vừa được Bộ tổ chức trực tuyến sáng nay, ngày 27/5.
Sẵn sàng tổ chức thi trong bối cảnh có dịch
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Thống kê từ các địa phương đến 24 giờ ngày 26/5, đã có 18 trường hợp học sinh lớp 12 là F0 và 394 em là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Hà Nam, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
“Chúng tôi đã sớm tham mưu trình lãnh đạo Bộ, phối hợp với Bộ Y tế, đã xây dựng các kịch bản trong các tình huống khác nhau. Đề nghị các địa phương cũng có kịch bản tương tự, tổ chức thi tại địa phương trong bối cảnh có dịch COVID-19. Các đơn vị cần phối hợp với sở y tế để rà soát phân loại các học sinh có F, với từng đối tượng có giải pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi tối đa cho các em,” ông Trinh nói.
Cũng theo ông Trinh, trong việc tổ chức thi năm nay đã có kinh nghiệm từ việc tổ chức thi trong bối cảnh có dịch bệnh, tổ chức thi có cả học sinh F1, F2 ở Đà Nẵng và một số địa phương năm 2020.
Theo đó, giải pháp bao trùm cho tất cả các đối tượng dự thi là phải thực hiện phun khử khuẩn sau mỗi buổi thi. Tại mỗi điểm thi thực hiện tốt 5K, có giải pháp điều phối để giải tỏa tụ tập đông người đối với phụ huynh, cố gắng tối đa thực hiện giãn cách các bàn, đo thân nhiệt khi các em đến các điểm thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh việc tổ chức kỳ thi an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. (Ảnh: PV)
Trong mỗi điểm thi có một bộ phận trực y tế, trong đó khuyến khích có bác kỹ kèm cơ số vật tư y tế để xử lý tình huống bất thường.
“Tôi mong muốn xét nghiệm cho tất cả thí sinh dự thi là tốt nhất. Tuy nhiên điều này tùy thuộc vào khả năng của mỗi địa phương,” ông Trinh bày tỏ.
Với các trường hợp học sinh có F, ông Trinh cho hay, với các em học sinh là F0, như các trường hợp ốm đau khác, đương nhiên không tham dự kỳ thi này. Với F1, các em sẽ được bố trí điểm thi riêng. Ông Trinh lưu ý nếu điểm thi này ở xa khu vực cách ly thì phải chú ý khâu dịch tễ để tránh lây nhiễm chéo trong quá trình bố trí vận chuyển bằng ôtô đưa thí sinh đi và và về.
“Theo kinh nghiệm của Đà Nẵng năm ngoái là có trang phục bảo hộ. Với F2 thực hiện tốt 5K là có thể yên tâm triển khai,” ông Trinh nói.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, trong trường hợp bất khả kháng, tùy thuộc tình hình số lượng và phân bố F1 của các địa phương sẽ tính toán đến việc phối hợp với Bộ để tổ chức thêm kỳ thi.
Ôn tập tốt nhất cho học sinh
Thông tin về các công tác chuẩn bị cho kỳ thi, ông Trinh cho hay kỳ thi có sự đăng ký tham gia của trên 1 triệu thí sinh. Về cơ bản, các hoạt động chuẩn bị cho kỳ thi đã và đang được triển khai đúng tiến độ cả ở công tác chỉ đạo của Bộ và các địa phương. Công tác tập huấn coi thi đã được tổ chức xong.
Chiều 27/5, Bộ sẽ triển khai tập huấn chấm thi trắc nghiệm và tới đây sẽ tập huấn công tác thanh tra. Công tác đề thí cũng sẽ được triển khai để đáp ứng lịch trình kỳ thi. Việc đăng ký thi được triển khai thuận lợi và hiện các địa phương đang trong giai đoạn sắp xếp các phòng thi, địa điểm thi.
Ông Trinh đề nghị các địa phương phân công rõ ràng trách nhiệm, rõ sản phẩm, phân công nhiệm vụ các thành viên ban chỉ đạo. Căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương chủ động sắp xếp địa điểm thi.
“Đề nghị các địa phương rà soát tổng thể nguồn lực con người, là khâu trọng yếu của kỳ thi, đặc biệt là khâu in sao đề thi, chấm thi. Rà soát kỹ các nguồn lực cơ sở vật chất, nhất là thiết bị kỹ thuật phục vụ an ninh an toàn kỳ thi, chấm thi, như camera, thẻ nhớ, máy photocopy… Đặc biệt là phải rà soát trang thiết bị kỹ thuật phòng chống dịch để sẵn sàng triển khai trong bối cảnh có dịch, phối hợp với công an để bố trí khu cách ly đảm bảo,” ông Trinh nói.
Nhắc lại vụ việc năm 2020, dù đã được tập huấn nhưng vẫn còn một vài cán bộ coi thi mắc lỗi dẫn đến phải sử dụng đề thi dự phòng, ông Trinh nhấn mạnh việc phải tập huấn thật kỹ cho giám thị.
“Năm nay, Bộ đã gửi tới các địa phương danh mục công việc cán bộ coi thi phải làm trong phòng thi. Đề nghị các hội đồng thi phổ biến, quán triệt, và cán bộ coi thi phải rà soát danh mục các việc cần làm này để không mắc lỗi, không sai. Đây là việc rất quan trọng,” ông Trinh cho hay.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Giáo dục nhận định năm nay học sinh 12 chịu ảnh hưởng hai năm liên tiếp của dịch COVID-19 nên điều kiện học tập có khó khăn. Trong thời gian qua, các địa phương đã có nhiều giải pháp vừa đảm bảo an toàn vừa giúp các em ôn tập tốt. Ông Trinh đề nghị địa phương tiếp tục lưu ý để ôn tập tốt nhất cho học sinh.
Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, ông Trinh lưu ý các nhà trường, thầy cô hướng dẫn học sinh hiểu rõ trách nhiệm của mình, tránh mang vào phòng thi các vật dụng không được phép để tránh thiệt thòi không đáng có.
Khẳng định việc tổ chức thi là cần thiết, kết quả thi không chỉ để xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học mà còn là cơ sở để phân tích bức tranh giáo dục của các địa phương, từ đó phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục, ông Trinh nhấn mạnh việc phải tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn cả về sức khỏe cho học sinh, cán bộ làm thi và an toàn về ninh thi cử, đảm bảo công bằng, trung thực, khách quan.
“Ngày 6/7 chúng ta bất đầu tập trung thí sinh, chúng ta vẫn còn đủ thời gian để chuẩn bị các kế hoạch, giải pháp bảo tổ chức kỳ thi an toàn nhất,” ông Trinh nói./.
Ý kiến ()