Sẽ thí điểm đăng ký giao dịch bảo đảm tập trung
Ông Vũ Đức Long – Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm |
PV: Xin ông cho biết những kết quả cũng như hạn chế của công tác ĐKGDBĐ trong chặng đường 10 năm triển khai?
Ông Vũ Đức Long:Nhìn lại chặng đường 10 năm qua có thể thấy pháp luật về ĐKGDBĐ đã được điều chỉnh thống nhất, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo được sự thuận tiện cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước như kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cũng được chú trọng. Việc tuyên truyền phố biến pháp luật, đào tạo nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động ĐKGDBĐ cũng được tăng cường.
Thủ tục hồ sơ được công khai, minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết… Đặc biệt ừ thời điểm triển khai hoạt động đến nay số lượng giao dịch được đăng ký năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng được duy trì đều đặc qua các năm ( từ 50-70%). Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả, chiếm 15% tổng số đơn ĐKGDBĐ.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả này hoạt động ĐKGDBĐ cũng còn một số hạn chế như hệ thống VBPL hiện hành về ĐKGDBĐ còn phân tán, thiếu đồng bộ chưa được pháp điển hóa trong một văn bản luật. Không ít tổ chức, cá nhân đến thời điểm này vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về ĐKGDBĐ dẫn đến cách hiểu, cách thực hiện thiếu thống nhất, chưa đúng pháp luật. Sự phối hợp, chia sẻ thông tin và áp dụng pháp luật về ĐKGDBĐ giữa các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan ĐKGDBĐ, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và các tổ chức tín dụng vẫn còn thiếu thống nhất, chưa hiệu quả.
PV: Được biết một trong những giải pháp sẽ được đưa ra trong thời gian tới để phát triển hoạt động ĐKGDBĐ đó là xây dựng hệ thống đăng ký tập trung, hiện đại hóa, nối mạng. Vậy cụ thể của giải pháp này là gì thưa ông?
Ông Vũ Đức Long:Đăng ký tập trung thì trước hết là tập trung về dữ liệu, vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rồi. Bốn tỉnh sẽ tiến hành thí điểm đăng ký tập trung là Hải Phòng, Hà Nam, Đà Nẵng và Đồng Nai. Đây là hình thức thí điểm đăng ký tập trung ở một cấp là cấp tỉnh, không làm ở cấp quận, huyện nữa. Việc thí điểm này áp dụng với tất cả các giao dịch bảo đảm.
Việc tập trung về một đầu mối là để thay đổi bản chất của việc đăng ký. Đăng ký chỉ là bảo đảm tính công khai chứ không phải là điều kiện phát sinh hiệu lực của hợp đồng thế chấp. Thí dụ đăng ký GDBĐ bằng ô tô, nhà, quyền sử dụng đất về lý thuyết là như nhau. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất chỉ khi muốn giải ngân mới phải đăng ký, không đăng ký không phát sinh hiệu lực còn đối với nhà thì sau công chứng là hiệu lực rồi, đăng ký hay không chỉ là để công khai hóa. Tính chất thế chấp giống nhau thì hệ thống đăng ký thế chấp cũng phải giống nhau, áp dụng giống nhau. Điều chúng ta cần làm đó là hướng tới hệ thống đăng ký thống nhất để dễ xử lý. Với cơ sở dữ liệu của Bộ Tư pháp hiện nay hoàn toàn có thể làm được việc đăng ký tập trung trên cả nước ở mọi lĩnh vực. Rào cản hiện nay chính là ở thủ tục hành chính và tâm lý.
PV: Sau hai năm thi hành NĐ 83 của Chính phủ, một trong những hạn chế đó là việc thực hiện đăng ký tại một số thành phố lớn còn “vênh” với Nghị định?
Ông Vũ Đức Long:Vướng nhất hiện nay là các thành phố lớn nơi có nhiều dự án triển khai chậm, hàng tồn về bất động sản là rất lớn và nhiều địa bàn. Ví dụ như huyện Từ Liêm và quận Hoàng Mai của TP Hà Nội là nơi người ta thế chấp rất nhiều quyền sử dụng đất để vay vốn, tiến hành hoạt động kinh doanh, do đó gây ra tình trạng ứ đọng hồ sơ giải quyết, người dân mất công chờ đợi.
Theo quy định, thời gian giải quyết ĐKGDBĐ là ngay trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ nhưng TP Hà Nội cho rằng các địa phương một ngày làm được chứ Hà Nội thì không thể được. Chúng tôi đề nghị với Hà Nội rằng NĐ83 đã được các Bộ thống nhất và họ phải sửa quy định gia hạn thời gian giải quyết ĐKGBĐ nhưng đến nay họ chưa sửa và quy định vẫn có hiệu lực.
Về lý thuyết họ phải bỏ vì trái NĐ nhưng họ vẫn thực hiện. Chúng tôi đã yêu cầu Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) xem xét để “thổi còi” Hà Nội về vấn đề này. Có lẽ Hà Nội là nơi có nhiều văn bản đi ngược lại trung ương nhất so với các địa phương khác vì lý dọ…họ đặc biệt hơn. (!)
PV: Thưa ông, theo ý kiến thảo luận được đưa ra tại QH, việc công chứng hợp đồng giao dịch BĐS là thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và kiến nghị phải bãi bỏ. Liệu thủ tục ĐKGDBĐ có chung số phận đấy?
Ông Vũ Đức Long:Nếu đi theo đề án đăng ký tập trung thì việc ĐKGDBĐ chỉ mang tính chất thông báo tức là chỉ để công khai tài sản giao dịch chứ không làm điều kiện phát sinh hợp đồng tức là thay đổi tính chất và đăng ký mọi tài sản là như nhau. Chính vì vậy việc trọng tâm sau này nhằm bảo đảm hợp đồng thế chấp là nằm ở công chứng và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chứ không thể là vừa là đăng ký bắt buộc vừa công chứng bắt buộc.
PV: Vậy để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động ĐKGDBĐ trong thời gian tới, hạn chế những bất cập nẩy sinh, theo ông giải pháp quan trọng nhất?
Ông Vũ Đức Long:Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là phải có thể chế hoàn chỉnh. Tôi nghĩ việc hoàn thiện pháp luật về ĐKGDBĐ có ý nghĩa quan trọng bởi nếu quy định pháp luật về lĩnh vực này hạn chế sẽ là tác nhân gây cản trở sự phát triển của hệ thống ĐKGDBĐ tại Việt Nam. Do vậy cùng với các hoạt động rà soát nhằm loại bỏ những quy định không phù hợp, mâu thuẫn trong các văn bản hiện hành, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng và ban hành VBPL có giá trị pháp lý cao nhằm tăng cường hiệu quả của công tác ĐKGDBĐ, góp phần phát huy tối đa mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()