Sẽ thành lập Đoàn kiểm tra việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng
Chiều 11/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thành lập Đoàn kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, tình tình giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, tính đến 31/5/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết là hơn 3.950 tỷ đồng, tổng dư nợ là hơn 2.150 tỷ đồng ( tăng 225% so với thời điểm 31/12/2013), đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn.Gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng là gói tín dụng cho vay trung và dài hạn, muốn giải ngân nhanh gói này thì phải có nhiều căn hộ nhà ở xã hội hoặc căn hộ nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70 m 2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m 2, nhưng hiện nay nguồn cung còn ít nên chưa thể giải ngân nhanh được.
|
Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội nên gói 30 nghìn tỷ đồng giải ngân chậm. Ảnh: Quốc Hùng. |
Ngoài ra, một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay theo quy định của Nghị quyết 02 ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Chính vì vậy các dự án cũng chậm được triển khai, nguồn cung còn thấp so với nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng đang là vấn đề lớn, nên một số ngân hàng còn quy định quá thận trọng và chặt chẽ, thậm chí đặt ra quy định riêng mà nhiều khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được hoặc quá chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng khiến người dân và các doanh nghiệp cũng nản. Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng chưa nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư cần thiết của dự án để vay vốn, như báo cáo tài chính, giấy phép xây dựng… theo quy định, nên ngân hàng cũng chưa thể giải ngân.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một trong những vấn đề lớn khiến người dân vẫn ngần ngại tiếp cận gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, đó là lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014, nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân; thời hạn hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ. Ngoài việc người dân được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn lãi suất thấp mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm; mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng…
Theo CPV
Ý kiến ()