Sẽ tập trung thanh tra và phát hiện tham nhũng vào các lĩnh vực có nguy cơ cao
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra và phát hiện tham nhũng vào các lĩnh vực có nguy cơ cao như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, tổ chức biên chế, đầu tư xây dựng cơ bản ...
Sáng 10/1, Thanh tra Chính phủ đã họp báo thông báo kết quả công tác năm 2013 và triển khai công tác quý I/2014.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượngtrả lời báo chí. (Ảnh: TH). |
Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 25 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2013, toàn ngành đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 25.225 tỷ đồng, 3.653 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 7.850 tỷ đồng, 428 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.095 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc, 75 người.
Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.990 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 9.428/14.231 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 66,3%).
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, năm 2013, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả thanh tra chưa cao, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, đặc biệt là các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Hiện còn 62/528 vụ việc tồn đọng, kéo dài, song đã phân loại được nên đã có hướng giải quyết cụ thể.
Về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đạt được tiến bộ tích cực, đặc biệt, các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc quyết liệt, phản ánh rất đa dạng, chân thực, song kết quả so với mong muốn của nhân dân chưa đạt yêu cầu; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức; phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; sự phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương trong công tác này chưa tốt …
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết: Năm 2014, ngành Thanh tra chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn đầu tư, tạm nhập, tái xuất; công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống tín dụng…; thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thanh tra chuyên đề diện rộng về bố trí nguồn vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Riêng lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phòng ngừa tham nhũng đã có nhưng lãng phí trong lĩnh vực này còn “ghê gớm”. Do đó, cần thiết phải có Thông tư liên ngành giữa Thanh tra Chính phủ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm tốt hơn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Đang thanh tra công tác cán bộ
Tại cuộc họp báo, kết quả kết luận thanh tra Tập đoàn EVN là vấn đề nhiều báo chí quan tâm và đề nghị làm rõ hơn. Đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho rằng, hiện tượng báo chí nêu về việc EVN bù lỗ là có nhưng mong muốn các cơ quan báo chí hiểu đúng bản chất của việc huy động vốn của Tập đoàn.Ông Đinh Quang Tri khẳng định, EVN không làm trái quy định khi huy động vốn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh điện. Ông Tri cho biết, hệ thống ngành điện là hệ thống thống nhất, phức tạp, thị trường điện hiện nay đã có sự cạnh tranh. Do đó, EVN đang tối ưu hóa trong chỉ đạo điều hành đối với từng khâu. Lương Lãnh đạo EVN do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính duyệt, rất chặt chẽ,minh bạch nên không có chuyện “lương khủng” như báo chí đã nêu.
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng thông tin thêm, Thanh tra Chính phủ đang thanh tra công tác cán bộ định kỳ và dự thảo kết luận liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước băn khoăn của báo chí về việc thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lâu nhưng chưa có kết luận, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết, đây là vụ việc mang tính phức tạp và nhạy cảm nên thông tin phải tuyệt đối chính xác, đòi hỏi Thanh tra Chính phủ phải tiếp tục lắng nghe nhiều kênh thông tin mới có kết luận. Song, theo Trần Đức Lượng, cũng có cả yếu tố chủ quan như: Cung cấp thông tin chậm, năng lực phân tích, đánh giá của các thành viên thanh tra còn hạn chế, vì vậy, sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới.
Theo CPV
Ý kiến ()