Sẽ tăng thuế đối với đất không sử dụng
“Cần xem xét một người được mua bao nhiêu đất, mua nhiều hơn thì tăng giá. Sử dụng đất 3 năm là phải có lộ trình, nếu không sử dụng thì tăng thuế đất…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trong phiên chất vấn sáng 5/6.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5/6.
Sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai, đầu giờ sáng nay, Bộ trưởng Bộ TN&MT và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn nhóm vấn đề về: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp… Trước đó, trong thời gian nửa buổi chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn 18 đại biểu Quốc hội và 8 ý kiến tranh luận.
Đề xuất tăng thuế với đất không sử dụng
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, trả lời đại biểu Phạm Văn Hùng (Cao Bằng) về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng của những mảnh đất xen kẹt giữa các khu dân cư, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này thường xảy ra ở các đô thị, các thành phố như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng ý cho UBND 2 thành phố thí điểm trong việc giải quyết đất xen kẽ.
Theo Bộ trưởng, đất xen kẽ ở đây không phải đất ở, không phải đất thổ cư mà trước đây trong quy hoạch là đất nông nghiệp xen kẽ với đất đô thị. Nhưng trên thực tế theo quy hoạch hiện nay, nó chính là đất đô thị và đất thổ cư. Hiện 2 thành phố đang thí điểm tính toán sử dụng nguồn lực này. Theo đó, có thể ghép các mảnh đất này vào nhau để tiến hành bán đấu giá; có thể thực hiện việc bố trí đất đó làm các công trình công cộng để phục vụ nhu cầu chung, hay bán cho hộ dân liền kề, các đối tượng có nhu cầu…
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu nghịch lý trong quản lý đất đai hiện nay là đền bù giá cao hơn so với trước khi có dự án, người dân vẫn khiếu kiện. Vậy chính sách đất đai của chúng ta, đặc biệt là các công cụ kinh tế có liên quan gì đến thị trường trên? Có nên sử dụng ưu đãi nhà đầu tư trong việc giao đất giá thấp hay miễn tiền sử dụng đất hay không? Chúng ta có giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là vấn đề liên quan tới việc định giá đất đai. Có 5 phương pháp định giá đất đai, nhưng thế giới làm được, còn tại Việt Nam thì rất khó, vì đất đai biến động mạnh. Chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang đất quy hoạch phát triển bất động sản là khác nhau rất lớn. Trên thế giới quy hoạch của họ rất rõ ràng, không có chuyển đổi mục đích nên 5 phương pháp có thể áp dụng được. Trong khi đó, Việt Nam chưa hình thành thị trường nên các phương pháp này không phù hợp.
Bộ rất mong muốn được hỗ trợ trong vấn đề sửa luật, điều chỉnh chính sách đất đai bằng các công cụ kinh tế để điều chỉnh giá đất và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực trước và sau quy hoạch. Qua đó, tính toán thu đầy đủ thuế gia tăng từ quá trình chuyển đổi. Nhà nước có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng quyền lợi sẽ được chia cho người dân.
“Với đất đai tại 3 khu dự kiến làm đặc khu sốt lên, trừ trường hợp vi phạm pháp luật, giao dịch ngầm thì chúng ta sẽ xử lý, còn chúng ta muốn đất không sốt lên thì phải sử dụng các công cụ kinh tế. Chúng ta sẽ xem xét một người được mua bao nhiêu đất, mua nhiều hơn thì tăng giá. Sử dụng đất 3 năm là phải có lộ trình nếu không sử dụng thì tăng thuế đất đối với những người không sử dụng. Điều này cần được sửa trong Luật Đất đai sắp tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, nếu sử dụng đất đai hiệu quả chúng ta thu thuế thu nhập, còn các khu khác phải thu thuế sử dụng đất đai để sử dụng hiệu quả.
Cần nói không với việc nhập phế liệu
Liên quan đến tình trạng nhập khẩu phế liệu và các hoạt động xả thải, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) đề cập việc Bộ trưởng có nêu quan điểm là không chủ trương nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu phế liệu vẫn rất lớn. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi ngày là 11.000 tấn. Nhiều địa phương cũng cho xây dựng các nhà máy sản xuất từ phế liệu, gây ô nhiễm rất lớn. Đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm xử lý?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, việc nói không với nhập khẩu phế liệu, trong đó có nguyên liệu độc hại như: phục vụ sản xuất thép, túi nilông, nhựa…”Riêng nhóm nguyên liệu sản xuất thép thì hiện chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được đầu vào. Về việc nhà máy thép gây ô nhiễm, nằm ngay đầu nguồn và gần khu vực dân cư như nhà máy thép Việt – Pháp ở Đà Nẵng, chúng ta cần xem xét lại việc bố trí vị trí các nhà máy đó, nơi nào nằm gần khu dân cư thì phải có giải pháp hạn chế gây ảnh hưởng”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, về lâu dài chúng ta cần rà soát lại danh mục phế liệu nhập vào trong nước. “Tôi cũng thừa nhận rằng hiện năng lực công nghệ của chúng ta có lẽ không đủ để xử lý loại chất thải trên, cho nên quan điểm là cần nói không với việc nhập phế liệu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về việc xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng theo Quyết định 452 của Thủ tướng Chính phủ mà đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhất trí cần biến tro xỉ thành vật liệu xây dựng vì tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện rất lớn. Đồng thời cho biết, Thủ tướng đã ban hành quyết định để sử dụng chất thải ở nhà máy điện.
Chưa hài lòng, đại biểu Mai Sỹ Diến tranh luận lại: Theo quy định thì tro xỉ là chất thải nguy hại. Đây là nút thắt vướng mắc khiến các doanh nghiệp khó tham gia vào lĩnh vực này. Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn nhưng Bộ TN&MT chưa rà soát văn bản theo yêu cầu để cởi trói cho doanh nghiệp. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, doanh nghiệp phải có trách nhiệm kiểm chứng chất lượng tro bay công bố cho nhà sản xuất. “Nếu có doanh nghiệp nào chưa rõ thì đại biểu giới thiệu với Bộ trưởng, Bộ sẽ chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()