Sẽ tăng mức phạt đối với các vi phạm trong giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến với nhiều điểm được bổ sung, điều chỉnh so với Nghị định hiện hành đã thực thi được gần sáu năm, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và yêu cầu thực tiễn.
Dự thảo Nghị định gồm bốn Chương với 41 Điều, với nhiều nội dung mới quy định cho phù hợp với Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp như: Tự chủ tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở năng lực đào tạo, tự chủ mở ngành đào tạo, tự chủ in, quản lý, cấp văn bằng chứng chỉ…
Nhiều quy định mới trong lĩnh vực giáo dục được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục mà cơ sở giáo dục có trách nhiệm thực hiện nhưng chưa có chế tài xử lý nếu vi phạm như: hoạt động tư vấn du học, việc không công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào; việc thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố; việc không thực hiện chế độ báo cáo, công khai thông tin,…
Tại Dự thảo, Bộ GD-ĐT cũng bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả mang tính đặc thù của ngành giáo dục để tăng sức răn đe và bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm…
Đồng thời, khung tiền phạt của một số hành vi, theo Bộ GD-ĐT là không còn phù hợp, cần sửa đổi để đảm bảo sức răn đe. Vì vậy, so với quy định hiện hành, mức phạt tiền đối với nhiều sai phạm được điều chỉnh tăng. Cụ thể, liên quan công tác tuyển sinh, dự thảo quy định sẽ phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh vượt so với chỉ tiêu quy định. Đơn cử, ở bậc đại học, mức phạt tiền thấp nhất là 5 triệu đồng, mức cao nhất là 70 triệu đồng, tùy theo mức độ tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Theo quy định hiện nay, mức phạt cho hành vi này thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 60 triệu đồng. Tại Dự thảo, dự kiến phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu tuyển sinh không đúng với đề án đã công bố; phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu vi phạm một trong hai điều sau: Công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định; thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định. Với cơ sở giáo dục phổ thông, mức phạt thấp nhất cho hành vi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học không đúng quy chế là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; còn theo quy định hiện hành là từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Với cơ sở giáo dục đại học, mức phạt thấp nhất cho hành vi này là từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng; còn mức phạt ở quy định hiện hành là từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng…
Dự thảo đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đóng góp đến ngày 20-5.
Ý kiến ()