Thông tin trên được đưa ra trong các nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức thị trường chứng khoán thuộc Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg.
Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP vào 2025
Phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.
Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020 và từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn (option), hợp đồng tương lai trên cổ phiếu trước năm 2025.
Lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo quy định pháp luật; nâng chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán tăng 20% so với hiện tại.
Trước năm 2020, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán.
Trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.
Đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề ra tám giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; Cơ cấu lại tổ chức thị trường; Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; Giải pháp nâng hạng thị trường; Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.
Đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường
Về giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, Đề án nêu rõ cần đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về việc niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hóa.
Thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Trong năm 2019, triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; từng bước triển khai các sản phẩm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu khi đủ điều kiện; hoàn thiện bộ quy tắc chỉ số chứng khoán VN30 phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh.
Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu; thiết lập đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính; đề xuất phương án phát hành các sản phẩm trái phiếu mới theo lộ trình phù hợp: trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát; cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu Chính phủ thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi.
Triển khai phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế xanh và bền vững, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; phát triển các loại hình quỹ đầu tư ETF, quỹ đầu tư bất động sản nhằm đa dạng hóa các sản phẩm quỹ.
Tăng cường tính thanh khoản cho thị trường
Bên cạnh giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, Đề án còn đưa ra các định hướng nhằm tăng cường tính thanh khoản nhằm cơ cấu lại tổ chức thị trường. Cụ thể, triển khai các loại lệnh mới trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt là các loại lệnh phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Triển khai hoạt động giao dịch trong ngày phù hợp với điều kiện của thị trường.
Thực hiện việc nới rộng biên độ dao động giá trong ngày theo tính chất của từng phân bảng cổ phiếu niêm yết; áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh, tăng thời gian giao dịch áp dụng cho một số giao dịch đặc biệt.
Nghiên cứu triển khai mô hình vay và cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch trái phiếu phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, bảo đảm chế độ báo cáo kịp thời, chính xác, xây dựng đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường.
Thực hiện các nghiệp vụ về phát hành bổ sung trái phiếu, hoán đổi trái phiếu, mua lại trái phiếu để hình thành các mã trái phiếu chuẩn nhằm tăng thanh khoản, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường và quản lý phòng ngừa rủi ro danh mục nợ trái phiếu chính phủ.
Phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp theo thông lệ quốc tế.
Xây dựng Trung tâm Thông tin tập trung về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia huy động vốn qua phát hành trái phiếu.
Ý kiến ()