Sẽ không còn vé máy bay 0 đồng?
Các hãng hàng không đưa ra nhiều quan điểm trái chiều về việc quy định giá sàn đối với hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Ngoài các khung giá vé trần đang quy định, dự thảo cũng đề xuất xây dựng giá sàn cho vé máy bay. Tuy nhiên, các hãng hàng không đang có ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Trong văn bản gửi lên Bộ GTVT, Hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, trong những năm vừa qua, sự phát triển nóng trong ngành vận tải hàng không ngoài những mặt tích cực như kích cầu vận chuyển hàng không cũng đã tác động mạnh, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng nhà ga sân bay cũng như giao thông khu vực quanh các cảng hàng không lớn của nước ta.
Cụ thể, trong 3 năm 2014-2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách.
Điều này theo nhận định của Jetstar là đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không, của ngành hàng không. Chưa kể, giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức giá thấp hơn mức giá vé đường sắt, đường bộ và có thể đã tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác (đường sắt, đường bộ).
Theo hãng bay này, hiện nay một số yếu tố chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã tăng và dự kiến sẽ tăng (giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, giá xăng dầu máy bay, thuế môi trường…) nên sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục bị giảm do cạnh tranh về giá vé.
Với các lý do nêu trên, Jetstar Pacific đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam xem xét và ban hành khung giá (có giá sàn và giá trần) trong quyết định mới.
Cụ thể hơn, Jetstar đề xuất lấy chi phí vận hành trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Chi phí này bao gồm những chi phí cơ bản, trực tiếp liên quan đến phục vụ khai thác một chuyến bay và cơ bản giống nhau giữa các hãng cho cùng một loại máy bay (không bao gồm các chi phi gián tiếp như chi phí quản lý, bán hàng…). Với cách tính này, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay giao động từ 29-34% giá trần.
Ngược lại, đại diễn Hãng hàng không Vietjet cho rằng, việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh 2014.
“Trên thế giới, hiện nay không có hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách”, đại diện Vietjet dẫn chứng.
Theo thống kê, số hành khách nội địa của các hãng hàng không hiện nay vào khoảng trên dưới 10 triệu lượt/năm, trong khi dân số của Việt Nam là hơn 90 triệu người. Như vậy, vẫn còn hơn 80 triệu dân Việt Nam (tương đương 90% dân số) chưa thể tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá vé máy bay còn cao so với thu nhập người dân.
Vì thế, theo Vietjet Air, “quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc tạo sự cạnh tranh không bình đẳng của các hãng hàng không giá rẻ so với các hãng hàng không khác”.
Đồng thời, Vietjet cho rằng, việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn hiện nay còn chưa có sự thống nhất giữa các hãng hàng không. Có hãng tính trên đơn vị ghế/km, có hãng tính trên hiệu quả chuyến bay, đường bay và thậm chí hiệu quả khai thác trong một năm tài chính. Ngoài ra, các chủng loại tàu bay khác nhau, chi phí khai thác của các hãng cũng khác nhau nên mức giá sàn mà các hãng đưa ra chắc chắn sẽ khác nhau.
Vietjet cũng bày tỏ quan điểm tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa bởi giá cả dịch vụ là do quan hệ cung cầu quyết định, quyền lựa chọn cuối cùng sẽ thuộc về hành khách.
Theo đại diện Vietjet, Nhà nước chỉ nên quản lý, giám sát giá dịch vụ còn để các hãng hàng không tự quyết định giá vé. Điều này sẽ phản ánh trung thực hơn thực tế của thị trường, tạo điều kiện để các hãng hàng không tự tính toán, cân đối nguồn thu, bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có điều kiện nâng cấp dịch vụ phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề giá trần, giá sàn, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện ngành hàng không mới áp dụng giá trần để bảo vệ quyền lợi của hành khách. Cục Hàng không đã nhận được ý kiến của các hãng về giá trần, giá sàn và sẽ xem xét, tính toán, cân nhắc đến hiệu quả của những quy định này. Đồng thời, Cục sẽ xem xét đến những ảnh hưởng đến lợi ích của người dân (về chất lượng dịch vụ), của doanh nghiệp (lợi nhuận) và của cả nhà nước trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()