Sẽ đưa 65.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài trong 6 tháng đầu năm
Trong 5 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 54.144 lao động, đạt 45% kế hoạch năm 2019. Dự kiến, 6 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hơn 65.000 người.
Công tác phát triển thị trường lao động được đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm |
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, trong 5 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 54.144 lao động (trong đó có 14.268 lao động nữ) đạt 45% kế hoạch năm 2019. Trong đó dẫn đầu là thị trường Nhật Bản tiếp nhận 28.394 lao động, tiếp theo là Đài Loan 20.732 lao động, Hàn Quốc 2.890 lao động, Romania 714 lao động, Arab Saudi 489 lao động…
Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hơn 65.000 người.
Trong 6 tháng qua, công tác phát triển thị trường lao động, ký kết, thực hiện các Hiệp định, thỏa thuận song phương đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước tích cực triển khai.
Cụ thể, với thị trường Đài Loan, Cục đã nghiên cứu xây dựng phương án gia hạn/ký hợp đồng với chủ sử dụng mới dành cho lao động làm việc tại Đài Loan hết hạn hợp đồng được gia hạn hoặc chuyển chủ mới tại Đài Loan không phải về nước.
Tại thị trường Nhật Bản, Cục đã đàm phán và trình Bộ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) giữa Bộ LĐTB&XH Việt Nam và các bộ, ngành Nhật Bản về phái cử lao động kỹ năng đặc biệt sang Nhật Bản làm việc.
Với thị trường Hàn Quốc, đàm phán, thống nhất với phía Hàn Quốc về kế hoạch tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn, tay nghề theo Chương trình EPS; kiểm tra, giám sát kỳ thi tiếng Hàn ngành nông nghiệp năm 2019 và kiểm tra chương trình đào tạo bổ túc cho đối tượng lao động chính sách trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS tại Hà Nội và Đà Nẵng. Phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức các đoàn giám sát công tác tiếp nhận đăng ký hồ sơ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS năm 2019 tại một số địa phương trong danh sách hạn chế tuyển chọn và dự kiến có nhiều ứng viên.
Riêng thị trường UAE, Cục đã khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện nội dung xây dựng, hoàn thiện nội dung trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giúp việc gia đình giữa Việt Nam và UAE.
Bên lề Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) lần thứ 108 tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và ông Nasser Thani Al Hamli, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã ký Bản ghi nhớ (MOU) giữa hai bộ trong lĩnh vực giúp việc gia đình.
Nội dung bản ghi nhớ quy định quy trình tuyển chọn, đào tạo, trách nhiệm của cơ quan phái cử và tiếp nhận, nội dung hợp đồng lao động và ký hợp đồng với người lao động. Có hiệu lực ngay sau khi ký, thời hạn của MOU là 4 năm và tự động gia hạn nếu một trong hai bên không có mong muốn chấm dứt thực hiện.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã đàm phán thống nhất nội dung và tiến hành ký kết với GIZ về Thảo thuận tuyển chọn, đào tạo đưa công dân Việt Nam sang học tập và làm điều dưỡng viên tại CHLB Đức.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ cũng được đẩy mạnh thực hiện.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục đã tổ chức triển khai thanh tra định kỳ theo kế hoạch và phối hợp với Thanh tra Bộ triển khai kế hoạch thanh tra năm 2019 tại 11 doanh nghiệp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Cục đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại trong quá trình hoạt động.
Đồng thời, Cục đã chấn chỉnh và phối hợp xử lý một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đưa lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại Arab Saudi, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, chấn chỉnh một số doanh nghiệp còn nhiều vụ việc tồn đọng liên quan đến người lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()