Sẽ công bố khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Hơn 40 bộ, ngành, địa phương đã xây dựng đề án chuyển đổi số. Tuy nhiên, ở khối các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và các doanh nghiệp sản xuất, tiến trình này đang chưa được diễn ra mạnh mẽ như kỳ vọng.
Khảo sát của VINASA tại Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020, 69% doanh nghiệp được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, dưới tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020 Việt Nam có 101.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, hơn 90.000 doanh nghiệp dừng kinh doanh, trung bình mỗi tháng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Đợt dịch thứ 3 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và đợt dịch thứ 4 tại các tỉnh miền nam trực tiếp gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Hầu hết những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những doanh nghiệp đang chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số.
Đây chính là động lực để VINASA đưa ra sáng kiến và thực hiện xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs và Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp ở từng quy mô, thuộc từng lĩnh vực hoạt động cụ thể biết mình đang ở đâu? Cần bắt đầu từ đâu? dùng những công cụ gì, của ai? Lộ trình tiếp theo của mình sẽ như thế nào?
Từ tháng 7, VINASA đã tập hợp hơn 40 chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT cung cấp dịch vụ – giải pháp hàng đầu cho doanh nghiệp SMEs theo từng lĩnh vực đứng đầu để xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs.
Sau 4 tháng làm việc, 26 Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs thuộc 26 lĩnh vực riêng biệt thuộc 3 khối thương mại, dịch vụ và sản xuất (quy mô nhỏ) đã được hoàn thành: bán lẻ, giáo dục đào tạo, vận tải kho bãi (Logistics), F&B, du lịch khách sạn, vận tải hành khách, may mặc, thủy sản, sắt thép…
Bộ Khung hướng dẫn ngoài việc chỉ ra thực trạng và xu hướng của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực sẽ tập trung vào 3 phần chính: khung hướng dẫn chuyển đổi số chi tiết quy mô doanh nghiệp, cấp độ chuyển đổi số; Bộ giải pháp chuyển đổi số ứng với từng quy mô, cấp độ; và tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tương ứng. Bên cạnh đó cũng đưa ra khuyến nghị đào tạo các kỹ năng số cho nhân sự.
Đối với các doanh nghiệp Sản xuất công nghiệp, là khối doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ cao, cấu trúc phức tạp, bắt đầu từ tháng 6, VINASA tập hợp hơn 20 chuyên gia từ các tập đoàn lớn đang tư vấn và thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất không chỉ ở Việt Nam như: Siemens, Microsoft, Oracle, IBM, Solpac, Advantech, FPT, CMC… do TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự Động hóa, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch.
Hội đồng được phân nhóm chuyên môn và làm việc tích cực trong 5 tháng để đưa ra một Bộ Khung hướng dẫn chuyển đổi số phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Khung được kết cấu theo 3 phần: khung hướng dẫn chuyển đổi số chi tiết; các mô hình tham chiếu điển hình; và tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tương ứng. Chương trình được xây dựng tham khảo dựa trên chương trình SIRI của Singapore (Smart Industry Readiness Index) đang được các doanh nghiệp Singapore áp dụng phổ biến.
Chương trình không chỉ giúp các doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản, cụ thể, mà còn trực tiếp kết nối giữa những doanh nghiệp này với các doanh nghiệp công nghệ số – những nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ số tiêu biểu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, làm động lực phát triển cho nền kinh tế.
Các bộ Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs và Doanh nghiệp sản xuất sẽ được VINASA công bố chính thức tại Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit), sự kiện quy mô nhất về Chuyển đổi số tại Việt Nam.
Vietnam DX Summit 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 đến 4/12 với 12 phiên Hội thảo chuyên đề, 12 phiên hỏi đáp về chuyển đổi số với các chuyên gia, hơn 80 diễn giả và dự kiến có trên 8.000 đại biểu theo dõi trên các nền tảng trực tuyến.
Sau đó, tất cả các tài liệu sau khi được xây dựng sẽ được phát hành công khai và miễn phí trên website riêng của từng chương trình. Bộ Khung tài liệu sẽ là khởi đầu cho một loạt các chương trình tập huấn, đào tạo chuyển đổi số bài bản, cụ thể cho các doanh nghiệp.
Ý kiến ()