Sẽ có 31 ngàn người tham gia mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội
Chiều 28/9/2010, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thông tin về lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, lễ diễu binh, diễu hành – hoạt động trọng điểm trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội diễn ra vào ngày 10/10/2010 tại Quảng trường Ba Đình sẽ có khoảng 31 ngàn người tham gia. Trong đó lực lượng vũ trang chiếm khoảng 12 ngàn người, còn lại là 13 khối dân sự đại diện cho các đơn vị, đoàn thể, tỉnh thành trong cả nước….Đây được coi là cuộc diễu binh, diễu hành lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta nhằm biểu dương lực lượng, những thành tựu to lớn của Hà Nội và đất nước trải qua 1000 năm xây dựng, phát triển, đặc biệt là thành tựu trong thời kỳ đổi mới, vinh danh Thủ đô văn hiến, anh hùng, thành phố Vì hòa bình; qua đó thể hiện lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.
Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam để đồng bào cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế cùng theo dõi. Trước đó, vào ngày 9/10, các đại biểu tham gia diễu binh, diễu hành sẽ vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại tượng đài liệt sĩ.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lê Tiến Thọ cho biết, Lễ mít tinh bắt đầu bằng sự kiện rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp lên Đài lửa. Tiếp đó là lễ chào cờ và bắn 21 loạt đại bác, trình diễn các bài hát ca ngợi Hà Nội.
Phần diễu binh sẽ do hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và dân quân tự vệ thực hiện, chia làm 15 khối. Phần này bắt đầu với 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc, Hồng kỳ và khẩu hiệu “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”; tiếp đó là khối nghi trượng với xe Quốc huy, xe mang ảnh Bác và khối mang cờ Đảng, Quốc kỳ, Hồng kỳ.
Khối diễu hành sẽ có khối Hà Nội mang xe rước Rồng thời Lý, xe rước biểu trưng Hà Nội và rước bằng UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Tiếp đó là khối đại diện các thành phần tiêu biểu như Cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, công nhân, trí thức, thông tấn báo chí… Tiếp đó là khối nghệ thuật biểu diễn chào mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kết thúc với màn thả chim bồ câu, bóng bay của 1000 thiếu nhi.
Ngoài việc truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Việt Nam, Ban tổ chức còn đặt 20 màn hình lớn ở các vườn hoa, địa điểm công cộng trên địa bàn Thủ đô để công chúng theo dõi.
Ý kiến ()