Sẽ bỏ yêu cầu kiểm tra kinh tế với các nhà bán lẻ EU
Sau 5 năm kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở bán lẻ mà không kiểm tra nhu cầu kinh tế.
Cụ thể, trong 5 năm đầu, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ xem xét việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) dựa vào kiểm tra nhu cầu kinh tế, trừ trường hợp thành lập cơ sở bán lẻ nhỏ hơn 500 m 2trong khu vực quy hoạch.
Sau thời hạn này, Việt Nam sẽ bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế, nhưng bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.
Cơ chế kiểm tra nhu cầu kinh tế lâu nay được xem như một rào cản để bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết mở cửa hoàn toàn cho các nhà bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu muốn mở cơ sở bán lẻ thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế.
Với việc cam kết không áp dụng cơ chế này với các nhà bán lẻ EU sau 5 năm sẽ giúp họ đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ.
Việt Nam cũng đồng thời không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu; cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ.
Đối với việc cung cấp dịch vụ phân phối qua biên giới, Việt Nam chỉ cho phép phân phối các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân và các chương trình phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích thương mại.
Đối với dịch vụ nhượng quyền thương mại, Việt Nam cam kết không hạn chế. Việt Nam cũng cho phép thành lập chi nhánh với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()